Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chế độ ăn thế này trẻ dễ bị béo phì, tiểu đường


Qua nghiên cứu trong 3 năm ở 17.000 trẻ em Ấn Độ, các nhà khoa học nhận thấy, trên 66% trẻ em ở quốc gia này có mức đường huyết bất thường. Trong đó, các yếu tố dưới đây được xem nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn.


Lạm dụng đồ ngọt

Nếu lạm dụng đường, đồ ngọt như kẹo, bánh, nước ngọt có gas... ở ngưỡng cao 3 lần giới hạn khuyến cáo, trẻ dễ mắc bệnh thừa cân, béo phì, tổn thương răng lợi và đái tháo đường (ĐTĐ). Cụ thể, gần 1/3 trẻ trong độ tuổi lên 10 trong diện nghiên cứu bị thừa cân và 1/3 số trẻ 3 tuổi bị sâu răng vì lạm dụng đồ ngọt.


Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, trẻ dưới 18 tuổi nên hạn chế đồ ngọt cũng như lượng đường ăn vào mỗi ngày


Ảnh minh họa


Theo GS Neena Modi, tác giả chính của nghiên cứu, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, trẻ dưới 18 tuổi nên hạn chế đồ ngọt cũng như lượng đường ăn vào mỗi ngày.


Bỏ bữa sáng

Không chỉ ở người lớn, đối với trẻ nhỏ, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, giúp cơ thể thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Theo nghiên cứu, nhóm trẻ ăn sáng đều đặn thì rủi ro mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 thấp hơn so với nhóm trẻ hay bỏ bữa sáng.


Lí do, bỏ ăn sáng làm tăng nguy cơ kháng insulin, khiến nồng độ đường huyết tăng vọt. Chưa hết, bỏ ăn sáng còn dẫn tới ăn vặt không lành mạnh, gây thừa cân, béo phì, thủ phạm gia tăng bệnh tiểu đường. Vì thế, các bậc cha mẹ nên giúp trẻ ăn sáng đều đặn, đủ chất, đặc biệt là thực phẩm giàu dưỡng chất phù hợp với độ tuổi của trẻ.


Gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là hậu quả của nhiều bệnh. Ngoài rượu bia, gan nhiễm mỡ còn do chất béo không được chuyển hóa kịp thời, gây cản trở gan hoạt động bình thường, làm tăng gánh nặng cho gan.


Để hạn chế gan nhiễm mỡ, cha mẹ nên cho trẻ ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường protein và vitamine, giảm đường và chất béo; tăng cường rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ; hạn chế ăn vặt và đảm bảo giấc ngủ đầy đủ.


Béo phì

Tình trạng mũm mĩm, nhất là béo bụng ở trẻ em liên quan trực tiếp đến các bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp và tiểu đường. Trong nghiên cứu trên, có 350 trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường. Do đó, các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn đến thực đơn hằng ngày của trẻ, nên đảm bảo thức ăn đủ calo, dưỡng chất, hạn chế thực phẩm giàu năng lượng như thức ăn nhanh và duy trì cuộc sống năng vận động cho trẻ.


Nghiện thiết bị điện tử

Trung bình trẻ dưới 7 tuổi mỗi ngày dành hơn 3 tiếng "dán" mắt vào các thiết bị điện tử, tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2. Theo nhóm nghiên cứu, các bậc cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc các thiết bị điện tử, giúp các em giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài; không cho trẻ dùng Ipad, Iphone hay thiết bị điện tử khác trong giờ ăn.


Theo SK&ĐS