Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cha mẹ làm được 7 việc này, đảm bảo tương lai con giàu đến 90%


Những đứa trẻ được cha mẹ nói chuyện về tiền ít nhất tuần một lần sẽ thông minh về tiền bạc hơn những đứa trẻ không bao giờ được cha mẹ nói chuyện về đề tài này.


Nếu bạn có con, hoặc đang cân nhắc việc sinh con, bạn đã nghĩ mình có thể làm gì để giúp trẻ chuẩn bị tương lai tài chính? Có rất nhiều thứ cha mẹ có thể làm từ bây giờ để giúp con đi đúng đường sau này.

1. Cho trẻ một khoản tiền nhỏ
Một trong những cách tốt nhất để thiết lập nền tảng tài chính vững mạnh cho trẻ là tạo cho trẻ cơ hội được tự quản lí tiền từ khi còn trẻ. Cho trẻ một khoản trợ cấp khi làm việc gì đó sẽ dạy trẻ về giá trị của lao động để đạt được những thứ mình muốn. Muốn có đồ chơi mới, muốn đi chơi với bạn... trẻ cần phải làm việc và tiết kiệm tiền. Trẻ sẽ có ý thức hơn về giá trị của tiền, sẽ giảm chi tiêu phù phiếm khi chúng được tự quản tiền.


2. Có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Đừng nghĩ bảo hiểm nhân thọ là những gì dùng cho con bạn nếu bạn chết. Hãy xem đó là một cách để đảm bảo con bạn được chăm sóc trong tương lai. Nên gặp một nhân viên lập kế hoạch tài chính có chứng chỉ nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu hoặc lựa chọn nào là tốt nhất cho bạn.


3. Khuyến khích trẻ tiết kiệm

Theo khảo sát của công ty T Rowe Price có trụ sở tại Baltimore, Maryland - Mỹ, 51% trẻ sẽ tiêu ngay tiền trợ cấp sau khi nhận được tiền. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ học giá trị của việc trì hoãn ham muốn, hãy dạy trẻ cách tiết kiệm tiền cho một mục tiêu nào đó.


Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ tiết kiệm một tỷ lệ nhất định trong khoản tiền trợ cấp hoặc khoản tiền trẻ được cho tặng. Nhiều ngân hàng có các chương trình tiết kiệm dành cho trẻ em. Dù có thể gửi trực tuyến nhưng cha mẹ nên đưa trẻ đến tận ngân hàng và lập một sổ tiết kiệm với số tiền mặt của trẻ.


Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm bằng cách đưa ra các hỗ trợ, ví dụ cho phép trẻ lựa chọn hoặc là tiêu tiền luôn hoặc là tiết kiệm tiền để làm một việc gì đó. Nếu trẻ chọn tiết kiệm, cha mẹ có thể hỗ trợ một phần để trẻ dễ đạt được mục tiêu hơn. Đây chính là cách khiến trẻ có ý thức về việc đóng góp và thấy được lợi ích của tiền nhàn rỗi.


4. Cho con làm việc

Những công việc bán thời gian, theo mùa vụ rất có ý nghĩa với trẻ tuổi teen, dạy cho trẻ về trách nhiệm, kỷ luật, quản lí thời gian và giá trị của tiền bạc khi làm việc.


Năm 16 tuổi, con gái của Engel bắt đầu có công việc đầu tiên, điều đó đã giúp cô bé đánh giá được những thứ mình muốn có thông qua các công việc. Sau khi nhìn số tiền lương mình nhận được, bé biết rằng cần phải làm việc một giờ đồng hồ thì mới đủ tiền mua ly cà phê mà bé thích.


Nếu trẻ được làm công việc mà bé yêu thích, ví dụ chăm sóc chó mèo bởi vì bé yêu các con thú, bé có thể học được các kỹ năng để đi sâu vào công việc đó trong tương lai.


5. Nói về tài chính của bạn

Tiền bạc thường bị coi là một đề tài cấm trong gia đình, tuy nhiên, bạn nên thay đổi. Nên xem xét nói với trẻ về tiền sớm và thường xuyên. Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Bắc Carolina và Đại học Texas cho thấy trẻ em luôn chú ý đến các vấn đề liên quan đến tiền. Bạn nên nói cho trẻ những vấn đề quan trọng nhất.


6. Cho trẻ tham gia một số quyết định tài chính nhất định

Việc tiết kiệm mua nhà hay kế hoạch trả nợ của bạn có thể không phù hợp để nói với trẻ nhưng bạn có thể cho trẻ cùng lập danh sách những món đồ cần mua khi đến cửa hàng tạp hóa hoặc đi chợ mua thực phẩm. Hoặc trong kỳ nghỉ, có thể cho trẻ quyết định cách thức chi tiêu tốt nhất cho gia đình. Cho trẻ nhìn cách bạn đổ xăng để hiểu về chi phí đi lại. Nên sớm dạy trẻ rằng bạn sẽ phải tốn phí để làm điều gì đó thú vị và cách tiết kiệm giúp bạn đạt được những mục tiêu tài chính nhất định. Bạn có thể ngạc nhiên về trí nhớ của trẻ sau những lần trò chuyện này.


7. Cho con đóng góp vào chi phí đại học

Theo khảo sát của T Rowe Price, hơn 60% trẻ chờ đợi cha mẹ sẽ trả tiền học đại học cho mình. Business Insider khuyên, nếu bạn có đủ khả năng trả tiền học đại học cho con, bạn cũng không nên làm.


Bạn không nên bao trọn tiền học đại học của trẻ. Hãy để trẻ có trách nhiệm với việc học của mình. Nếu trẻ cũng phải chịu trách nhiệm trong chi phí đi học, trẻ sẽ học hành nghiêm túc hơn.


"Không ai trong chúng ta đánh giá cao những thứ chúng ta được cho bằng những thứ chúng ta tự kiếm được", Engel kết luận.


Theo TTXVN