Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gian nan phát triển mầm non tư thục


Khoảng 5 năm gần đây, mạng lưới các cơ sở mầm non ngoài công lập nói chung và mầm non tư thục (MNTT) nói riêng của Hà Nội phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Tuy vậy, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của xã hội, đúng với tinh thần của chiến lược phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020  “… phát triển mạnh mẽ các trường MNTT góp phần bổ sung cho sự thiếu hụt của mạng lưới GD mầm non” thì MNTT còn đứng trước nhiều khó khăn.

 So với địa phương khác, loại hình trường, nhóm, lớp MNTT của Hà Nội ra đời muộn hơn, song đã sớm khẳng định bằng chất lượng và số lượng trẻ theo học ngày càng tăng qua mỗi năm học và phát triển ở cả nội thành và ngoại thành. Theo thống kê, tới đầu năm học 2006-2007, toàn thành phố có 58 trường MNTT và 290 nhóm, lớp MNTT. Ngoài ra, còn có loại hình MNTT do người nước ngoài quản lý, hoặc do người Việt Nam quản lý nhưng dành cho con em người nước ngoài. Quy mô các trường này không lớn, song hoạt động tương đối tốt và số trẻ ổn định . Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai là nơi tập trung nhiều cơ sở MNTT. Đặc biệt, ở một số quận, huyện, số trẻ theo học trong các trường, lớp MNTT chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số trẻ đến trường của toàn quận, huyện ấy. Ví dụ Đống Đa có gần 50% số trẻ nhà trẻ học MNTT, Thanh Xuân 45%, Ba Đình 30%… Số trẻ theo học ở MNTT tăng đều theo các độ tuổi, từ nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ 5 tuổi, trong đó tăng mạnh nhất ở độ tuổi nhà trẻ. Nếu năm học 2000-2001, có khoảng 1000 cháu, chiếm 4,9% thì tới năm học này, tỷ lệ ấy đã tăng lên trên 20%. Vị thế của MNTT càng được củng cố khi năm 2004, một trường MNTT được công nhận đạt chuẩn quốc gia (MNTT Minh Hải), là đơn vị đầu tiên và duy nhất cho đến nay trong khối MNTT toàn thành phố đạt chuẩn.

Thiếu thốn về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ là điểm chung của hầu hết các cơ sở MNTT hiện nay. Qua tìm hiểu,  ít cơ sở MNTT có diện tích rộng, đẹp, thoáng mát cho trẻ như Thái Hà (Đống Đa), Sun-ri-se-kids, Hoàng Yến (Ba Đình)... với đầy đủ các thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc tổ chức nuôi, dạy trẻ... Còn lại, nhiều cơ sở ở lẫn trong khu dân cư, diện tích nhỏ hẹp, thiếu sân chơi, lớp quá đông… Số này thường tập trung ở các nhóm, lớp lẻ. Thiếu cơ sở vật chất, phòng học, lại nay đây mai đó là nguyên nhân cơ bản gây nên sự bất ổn định của các cơ sở MNTT. Tuy nhiên, do có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của người gửi, nên  MNTT vẫn ngày càng phát triển, cho dù có nơi không hề có chương trình học, lại chẳng tham gia sinh hoạt chuyên môn với phòng, chỉ đơn thuần là trông giữ trẻ.

 Một trong những thuận lợi của các đơn vị MNTT là được quyền tuyển chọn giáo viên. Để bảo đảm chất lượng nuôi, dạy và uy tín của mình, nhiều cơ sở đã tuyển chọn đội ngũ giáo viên rất khắt khe với các yêu cầu về trình độ chuyên môn, ý thức, thái độ làm việc. Tuy nhiên, đây cũng lại là yếu tố để các nhóm, lớp lẻ có cơ hội mọc lên, bởi có thể tuyển những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn, thậm chí làm trái nghề. Một điểm đáng quan tâm nữa là hiện nay, số giáo viên công tác tại các cơ sở MNTT được tham gia các loại hình bảo hiểm không nhiều, khiến nhiều cô “nhấp nhổm”, không yên tâm công tác. Số lượng giáo viên vì thế cũng thường xuyên thay đổi. Không ít người chỉ coi đây là nơi trú ngụ tạm thời trước khi tìm được một việc ổn định hơn. Vậy nên chuyện có cô giáo gắn bó với trường đã 4-5 năm nhưng vẫn chuyển công tác là thường. Ngoài ra, các trường tư thục nói riêng và ngoài công lập nói chung vẫn còn phải chịu một sức ép lớn do quan niệm phân biệt giữa trường công, trường tư ở một bộ phận người dân.

 Về lâu dài, bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho MNTT, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành chức năng và sự vận động chủ động, linh hoạt của chính các cơ sở MNTT để loại hình này ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của xã hội.

 - - - - - - - - - - - -

- 58 trường có quyết định thành lập

- 85/29 nhóm, lớp có quyết định thành lập, chiếm 29,3%

- Số trẻ đi học tại các trường lớp tư thục: trên 16.000 cháu

- Tình hình đội ngũ:

+ 39,1% chủ trường có bằng ĐH. Tỷ lệ này ở các nhóm, lớp là 9,6%.

+ 17,4% chủ trường, nhóm, lớp chưa có bằng cấp chuyên môn

+ Giáo viên có bằng ĐH: 11,5% (ở trường), 5,1% (ở nhóm, lớp)

+ Giáo viên có bằng cao đẳng và trung cấp: 83,7% (ở trường), 79,1% (ở nhóm, lớp).
 
Hà Nội Mới