Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

iPad, smartphone làm trẻ chậm nói


Một nghiên cứu mới đây cho biết việc cho con trẻ dưới hai tuổi sử dụng iPad quá nhiều sẽ khiến trẻ chậm phát triển khả năng nói.


Trẻ em dưới 18 tháng tuổi không nên được phép sử dụng các thiết bị cầm tay (ảnh: ALAMY)


Theo The Telegraph, trẻ em dưới ba tuổi tại Vương quốc Anh dành trung bình 44 phút mỗi ngày để sử dụng điện thoại và máy tính bảng, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nó có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của các bé.


Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Toronto và Bệnh viện Nhi Toronto (Canada) đã có kết luận rằng cứ mỗi 30 phút sử dụng thì tỉ lệ trẻ bị chậm nói sẽ tăng lên 49%.


Trong giai đoạn từ hai đến ba tuổi, thông thường trẻ sẽ có khả năng giao tiếp bằng những câu ngắn có ba đến bốn từ. Còn với những trẻ dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị di động, chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.


Mặc dù có nhiều khuyến cáo của các chuyên gia về thời lượng phù hợp cho trẻ xem TV, nhưng nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được rằng những khuyến cáo đó còn áp dụng cho cả các thiết bị di động.


Theo Tiến sĩ Catherine Birken, bác sĩ trưởng tại Bệnh viện Nhi Toronto: "Thiết bị di động giờ có ở khắp mọi nơi. Trong khi những khuyến cáo cho rằng nên hạn chế thời gian sử dụng của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, chúng tôi tin rằng việc cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng đã trở nên phổ biến".


"Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa thời lượng sử dụng thiết bị di động và tỉ lệ trẻ bị chậm nói", bà cho biết thêm.


Kết luận được rút ra sau cuộc khảo sát hơn 900 trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến hai tuổi và đã được công bố tại Hội nghị Nhi khoa xã hội học (Pediatric Academic Societies Meeting) năm 2017 tại San Francisco, Mỹ.


Tiến sĩ Birken khuyến cáo rằng trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên sử dụng bất kì thiết bị di dộng nào cũng như nên hạn chế thời lượng xem TV của trẻ.


Một nghiên cứu của Đại học London cũng chỉ ra rằng thời gian sử dụng điện thoại và máy tính bảng cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh và có khả năng gây nguy hại cho sự phát triển của não bộ.


Theo như nghiên cứu của họ, cứ mỗi một giờ trẻ sơ sinh sử dụng điện thoại và máy tính bảng sẽ đồng nghĩa với việc giấc ngủ bị cắt bớt đi 16 phút. Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của não bộ, đặc biệt là trong những năm đầu đời, khoảng thời gian then chốt trong quá trình phát triển của trẻ.


Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng ánh sáng xanh từ các màn hình có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, phá vỡ nhịp sinh học trong khi sự kích thích đến từ các trò chơi hay các chương trình có thể gây chấn động đến tâm sinh lý của trẻ.


Theo HNM