Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học ngay 6 cách giúp trẻ sơ sinh tăng cân nhanh


Những tháng đầu sau sinh là thời kỳ "đỉnh cao" để bé phát triển về cân nặng. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng tăng cân nhanh, thậm chí có nhiều chỉ tăng rất ít cân nặng. Chuyện gì đã xảy ra và liệu có những cách giúp trẻ sơ sinh tăng cân hiệu quả?


Tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vì mỗi bé sẽ có một nhịp độ phát triển khác nhau. Trong tuần đầu sau sinh bé có thể bị tụt cân sinh lý và mất khoảng 5-10% cân nặng ban đầu, nhưng bước sang tuần thứ 2 trẻ sẽ tăng cân trở lại và bứt phá những mốc cân nặng một cách ấn tượng.
Thông thường trong 3 tháng đầu đời bé tăng khoảng từ 1 - 1,2 kg/tháng, từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 tăng khoảng 600g. Càng về sau thì cân nặng của bé sẽ càng tăng chậm hơn với mỗi tháng chỉ tăng từ 300-400g. Dấu hiệu trẻ sơ sinh chậm tăng cân sau 6 tháng đầu là điều bình thường ở hầu hết các bé, vì vậy mẹ không cần quá lo lắng. Có rất nhiều cách giúp trẻ sơ sinh tăng cân vừa dễ dàng, vừa hiệu quả mà bất cứ mẹ nào cũng có thể áp dụng.
Làm thế nào để trẻ sơ sinh tăng cân nhanh?
Dưới đây là một số cách hiệu quả để giúp trẻ sơ sinh tăng cân.
1. Chăm chút từng giấc ngủ
Trẻ sơ sinh ngay từ khi chào đời sẽ ngủ liên tục khoảng từ 16-18 tiếng mỗi ngày, bé chỉ thức khi ăn và khi đi vệ sinh. Sở dĩ, sự phát triển của bé trong những tháng đầu diễn ra rất nhanh chóng cũng chính là nhờ giấc ngủ, hay nói cách khác trẻ lớn lên khi ngủ.
Nhiều mẹ thường có quan niệm cho trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày sẽ giúp trẻ ngủ ngon và thẳng giấc vào ban đêm. Điều này hoàn toàn không đúng mẹ nhé! Vì khi thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, đặc biệt hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Khi lớn hơn thời gian ngủ của bé cũng sẽ giảm đi nhưng bạn vẫn cần đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc và đúng giờ. Nhất là vào buổi tối không cho trẻ thức quá muộn vì ngủ muộn sẽ làm cho tuyến yên không tiết ra hormone tăng trưởng làm bé chậm lớn, chậm tăng cân hơn.

Để bé tăng cân tốt thì mẹ không chỉ cần quan tâm đến dinh dưỡng mà còn cần đảm bảo chế độ ngủ nghỉ, vận động hàng ngày cho bé


2. Cho bé bú đầy đủ
Nguồn thức ăn duy nhất của trẻ sơ sinh chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức vì vậy mẹ cần cho bé bú đều đặn trong ngày. Mỗi cữ bú cách nhau khoảng từ 2-3 giờ kể cả vào ban đêm mẹ cũng nên đánh thức bé dậy để cho bú.
Đối với những ai nuôi con bằng sữa mẹ cần biết cách cho con bú đúng cách để bé có thể nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng. Dòng sữa mẹ chảy ra không giống nhau, sữa đầu có nhiều nước giúp bé đã khát, sữa cuối mới có nhiều chất béo. Muốn bé tăng cân thì bé phải bú được cả sữa đầu lẫn sữa cuối vì vậy mẹ cần cố gắng duy trì thời gian bú.
Đồng thời bú hết một bên bầu vú này rồi mới chuyển sang bầu bên kia, tránh tình trạng cho bé bú một chút đã đổi bên.
3. Cho bé ăn dặm đúng cách
Khi được 6 tháng tuổi mẹ nên cho bé tập ăn dặm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Bắt đầu ăn dặm bạn có thể cho bé ăn các loại bột sữa hoặc tự chế biến bột ăn dặm bằng các thực phẩm sau:
-Khoai lang chứa đường và beta carotene giúp trẻ dễ tiêu hóa, bổ sung năng lượng cho cơ thể.
-Ngũ cốc dùng làm các loại bột ăn dặm hoặc nấu cháo rất giàu vitamin E, chất béo, protein
-Khoai tây là thực phẩm tăng nguồn carbohydrates, năng lượng giúp trẻ tăng cân nhanh
Khi đã cứng cáp hơn, mẹ hãy bổ sung thêm nguồn thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng, rau củ quả...vào khẩu phẩn ăn hàng ngày của bé.
4. Massage cho bé mỗi ngày
Ngoài tác dụng làm cho trẻ sơ sinh thư giãn, đi vào giấc ngủ ngon lành, việc massage cho trẻ sơ sinh cũng được các nhà nghiên cứu khuyến khích vì tác dụng thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Một khi bé không gặp vấn đề gì về tiêu hóa, con sẽ chóng tăng cân thôi!
5. Khuyến khích con vận động
Mẹ đừng lo lắng khi bé yêu quá mê trườn, bò hay lúc lắc mọi món đồ trong tay. Vận động nhiều sẽ giúp bé mau cảm thấy đói và giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả. Mẹ có thể cùng con tập thể dục mỗi ngày để đạt đúng chỉ tiêu "mẹ đẹp, con khỏe" nhé.
6. Xác định những vấn đề khiến bé nhẹ cân
Ngoài những cách giúp trẻ tăng cân thông thường, mẹ cũng nên cảnh giác trước một số bệnh lý khiến bé chậm tăng cân. Một khi đã xác định được nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân bạn sẽ biết cách làm thế nào để trẻ sơ sinh tăng cân nhanh. Chẳng hạn, nếu sức khỏe của bé không đủ tốt, mắc phải một số bệnh lý nào đó mà ảnh hưởng đến sự phát triển thì cần cho bé đi khám, điều trị. Và khi tình trạng của bé đã ổn định cùng với sự chăm sóc của mẹ bé sẽ bắt kịp đà tăng trưởng một cách nhanh chóng.
Trẻ sinh non, nhẹ cân
Trường hợp bé sinh non, sinh thiếu tháng hoặc đủ tháng nhưng nhẹ cân (dưới 2,5kg) sẽ có tốc độ tăng cân chậm hơn rất nhiều so với những trẻ bình thường khác. Đồng thời những bé này vốn đã có sức khỏe yếu, dễ bị bệnh nên việc tăng cân sẽ gặp đôi chút khó khăn.
Trẻ sơ sinh bị dị tật
Dị tật sứt môi, hở hàm ếch là một cản trở rất lớn đối với bé trong quá trình bú sữa, đặc biệt là bú sữa mẹ. Vì vậy trẻ sẽ không nhận đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển. Trong trường hợp này bạn có thể dùng một số loại bình sữa được thiết kế dành riêng cho trẻ mắc phải những khiếm khuyết này.
Lượng sữa hấp thu quá ít
Một thử thách lớn khi nuôi con bằng sữa mẹ là làm thế nào để nhận biết lượng sữa cho trẻ sơ sinh. Theo đó có thể là vì trẻ sơ sinh lười bú, bú ít hoặc cơ thể người mẹ gặp một số vấn đề nào đó nên không "sản xuất" đủ sữa cho bé. Nếu tình trạng này kéo dài cân nặng của bé sẽ "đứng" tại chỗ, sau đó giảm dần và cuối cùng bé sẽ bị suy dinh dưỡng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như sự phát triển của bé.
Rối loạn tiêu hóa
Trẻ sơ sinh thường hay gặp một số bệnh liên quan đến vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, trào ngược dạ dày, không dung nạp sữa, đặc biệt là bệnh celiac. Đây là bệnh tự miễn dịch của đường tiêu hóa khi quá nhạy cảm hoặc không hấp thụ gluten, một loại protein có trong ngũ cốc, lua mì, yến mạch. Khi mắc bệnh này trẻ sơ sinh sẽ kém phát triển, chậm hoặc không tăng cân, lâu ngày dẫn đến còi xương chậm lớn.
Trẻ mắc một số bệnh lý
Chậm tăng cân ở trẻ sơ sinh còn do nguyên nhân về sức khỏe như bé bị bệnh tim, thiếu máu, rối loạn trao đổi chất, thiếu hụt hormone tăng trưởng...

Theo Marrybaby