Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cảnh giác với bệnh lao ở trẻ em!


TT - Chỉ cần một mũi văcxin BCG là có thể phòng ngừa phần lớn bệnh lao cấp tính nặng cho trẻ. Thế nhưng ở khoa nhi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc nào cũng có trẻ bị lao nằm điều trị. Nhiều trẻ đã tử vong và mang di chứng nặng nề vì lao cấp tính. PV Tuổi Trẻ đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đặng Quang - khoa nhi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - xung quanh vấn đề lao ở trẻ em. Bác sĩ cho biết: - Thông thường bệnh lao trẻ em được phân thành bốn loại cần phải điều trị là lao sơ nhiễm hay còn gọi là lao khởi đầu; lao cấp tính: có lao màng não và lao kê; lao hô hấp sau sơ nhiễm: gồm lao phổi và lao màng phổi; lao ngoài phổi: có nhiều loại như lao hạch, lao xương khớp, lao cột sống, lao màng bụng, màng tim, lao niệu - sinh dục, lao ruột... Trẻ bị sơ nhiễm lao thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, thỉnh thoảng có sốt cao. Ngoài ra còn có thể có ho khan, khạc đàm, đau ngực, khó thở. Tùy theo trẻ mắc loại lao gì mà bệnh cảnh còn có thêm những triệu chứng điển hình khác. * Việc chẩn đoán và điều trị lao ở trẻ em hiện nay ra sao, thưa bác sĩ? - Ở trẻ em việc chẩn đoán lao, tìm ra vi trùng lao thường khó hơn so với người lớn. Ngay cả bản thân trẻ bị lao phổi cũng khó tìm ra vi trùng lao vì trẻ chưa hoặc không biết khạc đàm. Đối với lao sơ nhiễm trẻ có những triệu chứng, biểu hiện giống như bệnh cảnh viêm đường hô hấp nên rất khó chẩn đoán. Ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, để chẩn đoán lao sơ nhiễm cho trẻ em thường chúng tôi cho chụp X - quang phổi, thử phản ứng lao tố, thử BK trong nước bao tử, hỏi có nguồn lây lao hay không để có hướng chẩn đoán xác định. Về điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn. Tuy nhiên, phụ huynh phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng với hướng dẫn của thầy thuốc, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định. * Xin bác sĩ cho lời khuyên về việc phòng ngừa lao ở trẻ em? - Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đi tiêm phòng văcxin BCG theo chương trình tiêm chủng mở rộng; phát hiện và điều trị sớm những người trong gia đình bị bệnh lao, tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây lao; giữ gìn sức khỏe cho trẻ, cho trẻ ăn đủ chất để chống suy dinh dưỡng; giữ gìn môi trường sống tốt, nhà cửa thoáng đãng, sạch sẽ... Trong gia đình có người bị lao thì cách ly trẻ, không nên tiếp xúc gần gũi (hôn hít) với trẻ... Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao (ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm...) cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo công thức của chương trình chống lao quốc gia, đảm bảo theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát). LÊ THANH HÀ