Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đức: Trường mẫu giáo không cho trẻ chơi đồ chơi


Nhiều trường mẫu giáo ở Đức đã áp dụng dự án không đồ chơi để nâng cao các kỹ năng sống cho trẻ.


Trường mẫu giáo ở Đức không cho trẻ chơi đồ chơi


Nếu đến thăm một trường mẫu giáo ở Berlin (Đức) mọi người sẽ thấy, trẻ em đã cất đi tất cả đồ chơi bao gồm xe ô tô, động vật làm bằng nhựa và cả các khối xếp hình, theo tờ The Atlantic.


Dự án được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao kỹ năng sống của trẻ, đồng thời giúp trẻ chống lại các hành vi gây nghiện trong tương lai.


Elisabeth Seifert, giám đốc điều hành của Aktion Jugendschutz, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho thanh thiếu niên ở Munich (Đức) đồng tình với dự án này. "Khi không có đồ chơi, trẻ sẽ có thời gian để phát triển ý tưởng của riêng mình. Các em cũng chơi với nhau nhiều hơn, vì vậy mà năng lực tâm lý xã hội của các em cũng sẽ tốt hơn", Elizabeth Seifert nói.


Những năng lực tâm lý xã hội bao gồm sự hiểu biết và yêu thích bản thân, đồng cảm với người khác, có suy nghĩ sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề và động lực để vượt qua những sai lầm. Nếu những đứa trẻ càng được tạo điều kiện để phát triển sớm những năng lực này thì sẽ càng tốt, vì hành vi tâm lý thường được hình thành nhiều nhất vào giai đoạn đầu của cuộc đời.


Ý tưởng loại bỏ đồ chơi trong trường mẫu giáo không phải là một ý tưởng sư phạm mới ở Đức. Nó đã phát triển từ một nhóm nghiên cứu từ những năm 1980. Nhóm nghiên cứu này đã làm việc với những người nghiện trong độ tuổi trưởng thành và xác định rằng, đối với nhiều người, hành vi tạo thói quen có nguồn gốc từ thời thơ ấu. Do đó, để ngăn chặn những hạt giống mang tính gây nghiện, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã quyết định tạo ra một dự án nhà trẻ mà tại đó các em từ 3 đến 6 tuổi sẽ phải bỏ đi tất cả đồ chơi, vốn được cho là tác nhân gây sao nhãng cho các em.


Quy tắc của một lớp mẫu giáo không có đồ chơi được thực hiện rất đơn giản. Trong ba tháng, tất cả đồ chơi đều được đem ra khỏi lớp, chỉ để lại đồ đạc cần thiết như chăn, gối. Giáo viên cũng sẽ gặp gỡ phụ huynh và học sinh trước khi thời gian không có đồ chơi bắt đầu để thông báo trước về điều gì sẽ xảy ra. Nhưng một khi dự án bắt đầu, giáo viên sẽ chỉ đóng vai trò là người quan sát chứ không chỉ đạo việc chơi cho trẻ. Họ để trẻ học cách tự đối phó với sự nhàm chán và thất vọng của mình.


Cha mẹ của các em ban đầu rất hoài nghi và lo lắng dự án sẽ làm cho con cái họ không muốn đến trường nữa. Nhưng kết quả là sau thời gian đầu lúng túng, trẻ đã tự làm đồ chơi bằng những thứ thu nhặt được từ xung quanh như cát, lá cây, trái cây rụng mà các em nhặt được. Nhiều em chơi "xe lửa" bằng cách xếp ghế lại thành một dãy dài. Một số trẻ trước đây chỉ chơi một mình, nhưng khi không có đồ chơi, các em đã tự hòa nhập để chơi cùng với các bạn.


Một phụ huynh cho biết bằng cách nào đó, dự án không có đồ chơi đã tạo không gian để con trai ông phát triển một sở thích mới là chơi ngoài trời và thật sự vui vẻ, thoải mái với chính mình.


"Tuy không có đồ chơi, nhưng trẻ vẫn đang chơi. Các em chỉ chơi theo một cách khác đi", giáo viên tại một trường mẫu giáo áp dụng dự án này cho hay.


Hiện nay dự án không đồ chơi không chỉ được tìm thấy ở hàng trăm trường mẫu giáo khắp nước Đức mà đã nhanh chóng lan ra các nước xung quanh như: Thụy Sĩ, Áo...


Theo TN