Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lịch sử ra đời của nhà trẻ


Đối với trẻ nhỏ, nhà trẻ là nơi đầu tiên chúng phát triển các kỹ năng hội nhập trong một cộng đồng xã hội mới mà không có sự trợ giúp của cha mẹ. Do đó, hầu hết các nhà trẻ đều chú trọng dạy các kỹ năng hòa nhập, lòng tự trọng và phát triển khả năng học hỏi của trẻ CHA ĐẺ CỦA NHÀ TRẺ Freidrich Wilhelm Froebel (1782-1852) sinh trưởng tại Đức là con trai của một mục sư. Ông được biết đến là “cha đẻ” của nhà trẻ bởi ông đã thành lập nhà trẻ đầu tiên trên thế giới tại Đức vào năm 1837. Nhà trẻ của ông đi tiên phong trong việc đề ra những lý thuyết và thực hành vẫn còn hiệu lực trong các nhà trẻ hiện nay. Quan điểm của ông là trẻ cần vừa chơi vừa học. Nhà trẻ là nơi để trẻ lớn lên và học mối tương tác xã hội với những trẻ khác. Froebel bắt đầu mở một trường tập huấn giáo viên cho các nhà trẻ của ông. Ông tin rằng giáo viên phải là những người hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao vì họ sẽ là tấm gương cho trẻ. Ngoài ra, giáo viên dạy trẻ cũng phải là những người nhạy cảm, cởi mở và dễ gần. Froebel mở nhà trẻ cho các trẻ thuộc mọi tầng lớp xã hội và không phân biệt giàu nghèo - một khái niệm vốn không mấy phổ biến trong xã hội thời đó. Trong trường học của Froebel, chương trình học là gồm các trò chơi, bài hát, câu chuyện và vật dụng thủ công để kích thích trí tưởng tượng và phát huy các kỹ năng thể chất và trí não của trẻ. Vật dụng trong lớp học được chia làm hai thể loại: “quà tặng” và “nghề nghiệp”. Theo đó, “quà tặng” là những vật dụng mà khi chơi trẻ sẽ biết khái niệm về vật dụng đó. Chẳng hạn, trẻ chơi xe hơi sẽ biết những tính năng của xe hơi...Trong khi đó, “nghề nghiệp” lại tập cho trẻ tính sáng tạo tự do hơn. Chúng là những thứ mà trẻ có thể dùng để định hình và thao tác theo ý mình như đất sét, cát, dây, chuỗi hạt...Khi dùng các vật dụng này tạo ra những thứ theo ý thích của mình, trẻ sẽ được giáo viên giải thích rõ ý nghĩa. Tuy nhiên, chính phủ Đức lúc bấy giờ không tán thành với quan điểm này. Họ không tin rằng trẻ cần chơi để học. Họ nghĩ học thuyết của Froebel quá nguy hiểm và gây hại đến trẻ. Thế là chính phủ cho đóng cửa các trường học vào năm 1848. 4 năm sau, Froebel mất và ông không thể biết rằng ý tưởng nhà trẻ của ông đã tác động lớn đến một hệ thống giáo dục tại Mỹ và các nước trên thế giới sau này như thế nào. NHÀ TRẺ DU NHẬP QUA MỸ Sau cuộc cách mạng tại Đức những năm cuối thập niên 1840, nhiều người Đức di cư sang Mỹ. Trong số này có cả những lớp phụ nữ đã từng được huấn luyện theo hệ thống giáo dục của Froebel. Chính những người này đã có công trong việc đưa hệ thống nhà trẻ còn hết sức mới mẻ vào Mỹ. Nhà trẻ đầu tiên của Mỹ là dành cho những trẻ nhập cư người Đức do một phụ nữ Đức tên Margarethe Schurz sáng lập tại Watertown Wisconsin vào năm 1853 và trường chỉ dạy bằng tiếng Đức. William T.Harris, một quản lý của hệ thống trường học St.Louis, là người đầu tiên tổ chức nhà trẻ thành hệ thống trường công vào năm 1873. Sau đó, nhà trẻ dần được mở rộng tại các nước châu Âu như Anh, Pháp, Bỉ và Ý trước khi hệ thống nhà trẻ này lại trở nên phổ biến ở Berlin (Đức) dưới hình thức các nhà trẻ từ thiện do lệnh cấm mở nhà trẻ đã được dỡ bỏ. Các nhà trẻ của Đức đều nhận được sự trợ giúp chủ yếu từ các tổ chức tôn giáo, giáo hội, các cơ quan phúc lợi xã hội. Kể từ đó, kiểu mẫu nhà trẻ như vậy được nhân rộng khắp nơi trên thế giới. Ý tưởng của Froebel đã giúp tạo ra hướng đi chính cho chương trình dạy học tại nhà trẻ trong suốt nửa cuối thế kỷ 19 và cả về sau. Nhiều trong số những sáng kiến đó vẫn còn được áp dụng trong các trường học ngày nay như học tập thông qua trò chơi, chơi và học theo nhóm, những hoạt động hướng tới mục tiêu và học ngoài trời... Bắt nguồn từ ý tưởng nhà trẻ này mà ở Đức có một quán bar được xem là “nhà trẻ” đầu tiên trên thế giới dành cho quý ông. Tại đây có nhiều thú vui để giúp quý ông giải khuây trong khi chờ bà xã đi shopping. Các ông bố có thể đọc sách, chơi cờ, xem tivi hay trò chuyện cùng các ông bố khác...Sau đó, khi các bà vợ đi shopping xong sẽ ghé ngang “đón” các ông cùng về. Dịch vụ này đem lại sự vui vẻ và tiện ích cho “cả làng” vì thông thường có một số ông tỏ ra không được kiên nhẫn cho mấy khi lẽo đẽo theo quý bà đi mua sắm và quý bà cũng cảm thấy thoải mái khi đi mua sắm mà không sợ đức lang quân càm ràm vì phải chờ lâu. Châu Yên(Tuổi Trẻ)