Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đa dạng hình thức tổ chức bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ mầm non


"Ở những xã miền núi, nơi sinh sống của hầu hết bà con dân tộc thiểu số, việc mẹ đưa con đến trường đi học đã là việc hiếm hoi, nhưng ở Nga My, bố mẹ đều tự giác đưa con đến trường và chủ động tham gia chuẩn bị bữa cơm trưa cho các con...".


Cô Đặng Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) phấn khởi chia sẻ.


Bán trú dân nuôi ở miền núi
Trường Mầm non Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An được chia làm 9 điểm trường do các bản nằm rải rác cách xa nhau. Địa hình đồi núi dốc, điểm trường chính cũng chỉ có 5 cô giáo, phụ trách 3 phòng học nhưng khuôn viên đẹp đẽ, sạch sẽ.


Đặc biệt cải tạo được một khoảng đất để trồng rau, cung cấp cho bữa ăn bán trú cho các cháu. Cô Phạm Thị Hồng - Hiệu trưởng - tâm sự:


Trường Mầm non Bảo Nam, hơn 95% học sinh là con em đồng bào Khơ Mú nên kinh phí để tổ chức bán trú cho trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước.


Tuy nhiên, với mức hỗ trợ 120.000 đồng/trẻ/tháng thì mỗi ngày chi phí tiền ăn cho mỗi trẻ chỉ từ 5.400 - 6.000 đồng. Số tiền này nhà trường dành để mua thịt, trứng, cá...


Còn rau củ các cô "tự cung tự cấp". Từ khi tổ chức bữa ăn bán trú, trách nhiệm của giáo viên nặng nề hơn. Tuy nhiên, bù lại các cháu lại đi học chuyên cần, cân nặng và chiều cao của trẻ được cải thiện rõ rệt.


Trường Mầm non Nga My, huyện Tương Dương cũng có tới 7 điểm trường, nằm ở các bản Bay, bản Đàng, Văng Môn, Na Ca, bản Canh, Xốp Khe, Na Kho, Na Ngần.


Trong đó, điểm lẻ Na Ngần xa nhất cách điểm trường chính gần 20km. Thế nhưng 6 năm qua, trường đã đều đặn tổ chức bán trú cho các em học ở không chỉ điểm trường chính mà tất cả các điểm lẻ.


Cũng như ở Bảo Nam, các điểm trường Nga My đều trồng thêm rau xanh phục vụ bữa ăn cho trẻ. Các cô lên thực đơn đi chợ theo sơ đồ dinh dưỡng, còn phụ huynh thì phân công nhau đến trường để nấu nướng cho con em mình.


"Ở những xã miền núi, nơi sinh sống của hầu hết bà con dân tộc thiểu số, việc mẹ đưa con đến trường đi học đã là việc hiếm hoi, nhưng ở Nga My, bố mẹ đều tự giác đưa con đến trường và chủ động tham gia chuẩn bị bữa cơm trưa cho các con..." - Cô Hồng phấn khởi chia sẻ.


Đến nay, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn huyện Tương Dương đều xây dựng các mô hình bán trú dân nuôi và "bán trú dân nuôi cho trẻ mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn".


Để thực hiện mô hình này, các trường đã huy động phụ huynh mua sắm các vật dụng thường ngày như sạp ngủ, bát, thìa, cốc, cặp lồng. Riêng với thực phẩm cho trẻ, các trường đã phát động phong trào "tuần bí xanh, bí đỏ" để phụ huynh mang bí đến cho các cháu nấu canh, nấu chè.


Ngoài ra, ngành cũng xây dựng phong trào "vườn rau sạch cho bé" bằng cách giáo viên và phụ huynh cùng cải tạo đất trồng rau và phân công lịch chăm sóc, thu hoạch nấu canh trưa cho trẻ.


Lo nhất là thực phẩm sạch cho trẻ

Trường Mầm non Hùng Tiến trước đây là một trong những trường còn nhiều khó khăn của huyện Nam Đàn. Đây cũng là trường mầm non ở miền xuôi hiếm hoi có đến 3 điểm trường lẻ.


Tuy nhiên, đây lại là ngôi trường đi đầu của huyện trong việc xây dựng vườn sau xanh, an toàn và là một trong những trường thực hiện rất tốt bữa ăn bán trú cho trẻ. Thành công của mô hình được thể hiện rõ nhất qua chất lượng bữa ăn và qua sự khỏe mạnh của các cháu hàng ngày.


Điểm trường mầm non Xuân Lâm mới được tu sửa, xây dựng thêm 10 phòng học và đưa vào hoạt động từ giữa học kỳ I, năm học 2016 - 2017.


Thế nhưng đến nay, trường cũng đã thu hoạch được 2 vụ rau. Trong đó, vụ rau đông xuân nhà trường có hơn 500m2 để trồng rau cải và rau hẹ.


Đầu vụ hè, nhà trường lại tiếp tục trồng thêm rau muống, rau dền, rau mồng tơi và các loại rau gia vị như hành, mùi tàu để đảm bảo đủ cung cấp rau cho học sinh của trường. Để có được thành quả này, hàng ngày sau giờ tan học, tập thể giáo viên của nhà trường lại tranh thủ ở lại trường để chăm bón cho cây.


Về phía phụ huynh, xác định được việc có vườn rau sạch sẽ giúp cho các cháu có những bữa ăn an toàn nên hàng tuần phụ huynh của các lớp lại tự nguyện đem phân, tro đến để hỗ trợ nhà trường.


Cô Hoàng Thị Liên - Hiệu trưởng - chia sẻ: Khó khăn nhất của những trường ở khu vực nông thôn là tìm được những đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, có tư cách pháp nhân để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Chính vì vậy, nhà trường đã bàn nhau sẽ tự trồng rau sạch cho các cháu ăn, vừa giúp nhà trường tiết kiệm về chi phí, dành số tiền tiết kiệm được để nâng cao dinh dưỡng bữa ăn và hỗ trợ thêm cho những cháu con hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn...


Hiện tại với mức ăn 15.000 đồng/ngày, học sinh của trường vẫn có 3 bữa ăn (đối với các cháu nhà trẻ) và 2 bữa ăn (đối với các cháu mẫu giáo) như các cháu ở vùng thuận lợi khác.


Nhà trường cũng rất tự hào bởi thể chất của các cháu phát triển rất đều. Riêng từ đầu năm học 2016 - 2017 đến nay tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của trường đã giảm từ 6,8 - 6%.


Từ năm học 2012 - 2013, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo triển khai thực hiện chuyên đề "Nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ trong trường mầm non".


Qua 5 năm thực hiện, đến nay hơn 90% các trường học có mô hình vườn rau sạch, tiêu biểu là các mô hình ở Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Tương Dương, Kỳ Sơn...


Bà Hồ Thị An, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: Chủ trương xây dựng mô hình vườn rau sạch đã nhận được sự đồng tình của không những nhà trường mà còn của phụ huynh, học sinh. Điều đó không chỉ giúp các trường cải thiện bữa ăn cho các cháu mà quan trọng hơn là đem đến những bữa ăn dinh dưỡng, đảm bảo an toàn. Qua đó, góp phần tích cực trong việc phát triển tốt về mặt thể chất, được hoạt động hợp lý theo nhịp sinh học lứa tuổi... tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường.


Theo GD&TĐ