Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vấn nạn bạo hành trẻ mầm non, đạo đức giáo viên kém hay do nhà quản lý chưa nghiêm?


Do quản lý điều hành của nhà trường thiếu nghiêm khắc đối với những biểu hiện đó ngay từ đầu đã đến những việc để cho nhiều giáo viên có đạo đức nghề nghiệp kém dẫn đến việc trẻ mầm non bị bạo hành. Dấy lên sự phẫn nộ của nhiều bậc cha mẹ.


Trước vấn nạn bạo hành mầm non đã lên tới mức bạo động tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều bậc cha mẹ đã khá lo lắng trước việc nên hay không nên đưa con mình tới trường, ở độ tuổi nào thì thích hợp để đưa con đi học ...Trước nhiều thắc mắc này, PV báo Phununews đã có cuộc trao đổi ngắn với cô Phạm Hải Thúy - người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề giáo dục.

Chào cô Hải Thúy! Trong thời gian gần đây, tại các trường mầm non thường xuyên xảy ra những vụ bạo hành ở trường mầm non. Là một người làm trong ngành giáo dục đã lâu, cô suy nghĩ thế nào khi những tiêu cực này liên tục xuất hiện?
Trước hết, là một sự xấu hổ - với tư cách là người trong ngành - trước những việc bạo hành như thế diễn ra ở trường mầm non. Đã hơn 20 năm gắn bó với giáo dục mầm non, tôi xấu hổ và đau xót về những hiện tượng ấy diễn ra trong chính môi trường của mình, bởi những đồng nghiệp của mình.


Khi những sự việc ấy phơi bày trước công luận, chính chúng tôi cũng nhìn nhận sâu sắc thêm nữa giá trị chuyên môn và giá trị của chữ tâm trong nghề.


Nhiều người cho rằng, để cho con học trường tư sẽ ' an toàn ' hơn so với trường công. Tuy nhiên, mới đây thôi đã xảy ra vụ bạo hành ở một trường tư khá nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội. Phải chăng, ngay khi đưa con vào những cơ sở đề cao về chất lượng chăm dưỡng cũng gặp phải tình trạng này?
Thực sự, trường công hay trường tư đều phải tuân thủ những nguyên tắc, tiêu chuẩn của giáo dục. Điều lệ trường mầm non của Việt Nam đã đặt ra những tiêu chuẩn rất chặt chẽ và xin nói thật là chỉ cần thực hiện đúng những tiêu chuẩn đó thôi, chất lượng giáo dục mầm non của chúng ta không thua kém gì các nước phát triển giáo dục trên thế giới.


Điều đáng tiếc là, sự áp dụng các tiêu chuẩn của Điều lệ không được làm đồng đều ở tất cả các cơ sở giáo dục của chúng ta, trường công hay trường tư, khi kiểm tra, chắc nhiều người đều hiểu là sẽ có những điểm cần phải khắc phục. Vấn đề là khắc phục thế nào.


Vụ việc bạo hành diễn ra ở trường tư thục khá nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội gần đây là một ví dụ đáng tiếc như thế. Đó là những điểm chưa chuẩn không khắc phục ngay dẫn đến việc bị đẩy thành hậu quả.


Bản chất của những vụ bạo hành trẻ, không phải do cơ chế hay do điều lệ, mà là do đạo đức nghề nghiệp của giáo viên kém. Do quản lý điều hành của nhà trường thiếu nghiêm khắc đối với những biểu hiện đó ngay từ đầu. Tôi tin, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm quản lý của tôi, thì nhà quản lý nghiêm khắc, giám sát và thực hiện chế tài giám sát tốt ngay từ đầu với giáo viên, chắc chắn không bao giờ xảy ra bạo hành trẻ.


Nghĩa là, giải pháp khắc phục tình trạng này nằm ở chính giáo viên và người quản lý giáo viên (tức là ông bà hiệu trưởng) chứ không phải nằm ở cơ chế hay luật pháp.


Vậy theo cô, đối với các giáo viên mầm non, điều kiện tiên quyết để theo nghề là gì?
Điều kiện tiên quyết để theo nghề, với giáo viên mầm non, theo tôi, đó là ĐƯỢC ĐÀO TẠO ĐÚNG CHUYÊN MÔN và ĐẢM BẢO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP. "Đúng chuyên môn" để biết nghiệp vụ mình cần làm gì để an toàn và chất lượng cho trẻ.


"Đạo đức nghề nghiệp" để giúp mình dù có không yêu trẻ nồng ấm thì cũng luôn đúng mực và trân trọng giá trị con người, trân trọng những em bé đang ở bên mình như một thực thể cần nâng niu đặc biệt.


Xin nói thêm, "Đạo đức nghề nghiệp" - với nghề sư phạm chúng tôi nói riêng, là điều kiện bắt buộc. Làm nghề dạy, thì không vi phạm pháp luật chưa đủ, mà phải tự mình đặt mình vào kỷ luật nghề nghiệp khắt khe, từ lời nói đến ứng xử tình huống sư phạm, từ trang phục đến những hành vi giao tiếp với phụ huynh, với học sinh, với người thân và với cộng đồng.


Chúng tôi cần ý thức đúng về sự mô phạm. Trên thế giới, những người làm công việc dạy học, kể cả là một gia sư, phong cách cũng như vậy, chứ không phải riêng Việt Nam mới thế.


Khi sự việc được phát hiện, đa số câu trả lời dẫn đến hành vi bạo hành trẻ em là do trẻ biếng ăn, không nghe lời ... dẫn đến giáo viên gặp không ít áp lực. Liệu đây thực sự là lý do để những đứa trẻ phải chịu cảnh roi đòn khi đến lớp?

Những câu trả lời của ai đó bạn dẫn ra trên đây là sự bao biện chống chế của người có lỗi, mà đã có hành vi lỗi thì chị cũng biết rồi, phản xạ thường thấy là che giấu và cố nói cho mình phần có lý hơn. Nhưng thực tế thì sai vẫn phải thừa nhận là sai, nhận sai rồi sửa, sẽ dễ chấp nhận hơn và cộng đồng sẽ hiểu rằng người này còn có cơ hội sửa sai để mà giảm nhiệt.


Đã là người chăm sóc nuôi dạy trẻ, thì em bé có biếng ăn, có bướng bỉnh, mới cần có người lớn chăm sóc, uốn nắn. Xin chị lưu ý là tôi nói đến sự "uốn nắn" - nghĩa là giáo dục mềm dẻo, cha ông ta đã đề cao điều này từ cổ xưa, là cách giáo dục rất văn minh và rất hiện đại.


Là một người làm giáo dục trong nhiều năm, cô nghĩ sao khi thực trạng hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc xấu liên quan tới ngành giáo dục, đặc biệt là xảy ra tại các trường mầm non?

Câu hỏi của bạn rất tâm tư, và đúng. Tôi cho rằng "những vụ việc xấu liên quan đến ngành giáo dục...đặc biệt xảy ra tại các trường mầm non" là một thực trạng buồn. Nhưng đó không phải là bộ mặt của giáo dục mầm non.


Nếu chỉ vì một mớ rau có sâu mà từ chối ăn rau suốt cuộc đời, tôi e là khó! Tôi nghĩ, nên coi đó là một thực trạng đau xót và cả cộng đồng cùng giám sát để triệt tiêu chúng đi, nhưng không phải bằng thái độ nghi ngờ hoặc sự kì thị, mà bằng sự tin cậy trong giám sát thân thiện giữa cộng đồng và nhà trường.


Quanh chúng ta phần lớn là những trường mầm non tốt mà! Bạn chắc có con nhỏ, con của bạn chắc chắn đã học ở trường mầm non và chắc không có vấn đề gì trong toàn bộ thời gian của em bé.


Tôi tin là đa số phụ huynh chúng ta vẫn gửi con nhỏ đến trường và đa số họ đều yêu quý cô giáo, hài lòng vì sự khôn lớn của em bé.


Dù vậy, thực trạng dù thiểu số thì vẫn là thực trạng và chúng ta phải thừa nhận để khắc phục, nhưng không có nghĩa từ một hiện tượng dẫn đến hoang mang và nghi ngờ cả hệ thống.


Truyền thông cũng là một "thế lực thứ tư", tôi tin là bên cạnh việc phản ánh những thực trạng, truyền thông cũng là một kênh chuyển tải thông điệp ấm áp về giáo dục mầm non chúng tôi đến cộng đồng.


Trẻ em là những người phải hứng chịu những hậu quả về tinh thần, sức khỏe để lại sau khi bị giáo viên bạo hành. Vậy, cần làm gì để chấm dứt nạn bạo hành đang xảy ra tại các trường mầm non hiện nay?

Giải pháp này, tôi đã nêu ở câu trả lời thứ hai, và rải rác ở các câu còn lại, nay tôi nhấn mạnh thêm, để chấm dứt hiện tượng bạo hành trẻ (tôi gọi là "hiện tượng" chứ không nhất trí với từ "nạn" bạn đang dùng) cần giáo viên đủ đạo đức nghề nghiệp và có nghiệp vụ chuyên môn, cần người quản lý (hiệu trưởng nhà trường) giám sát và có chế tài phù hợp, cần gia đình và cộng đồng có sự liên hệ thường xuyên ấm áp và thân thiện, cần truyền thông có cách tiếp cận thật đa chiều...


Cô có thể đưa ra những lời khuyên dành cho những bà mẹ, khi nhiều người quan ngại việc nên hay không đưa con đi mẫu giáo quá sớm?
Đây là câu hỏi hay nhất, nó là một chuyên đề lớn và hiện đại trong giáo dục mầm non, đó là quan điểm giáo dục sớm. Tại một số mô hình được các trường đang thực nghiệm hiện nay là mô hình khẳng định quan điểm giáo dục sớm là rất hiệu quả với trẻ.


Một em bé từ khi mới sinh cho đến 3 năm tuổi, rất cần được ghi nhớ để thuộc lòng những hiện tượng sống quanh bé. Hiện tượng bé "theo" mẹ, theo bà, theo ông, chính là sự ghi nhớ khuôn mặt thân quen của bé.


Cho nên, tập cho bé ghi nhớ những hình ảnh đẹp, thuộc những câu phát âm chuẩn, chính là giáo dục. Và giáo dục sớm, vì thế, không nên trì hoãn với em bé chỉ vì vài lo ngại về sự cố bạo hành.


Vậy độ tuổi nào là thích hợp để đưa trẻ đến trường?

Tối thiểu là 18 tháng tuổi, bé cần đến trường. Tuy nhiên, sớm hơn đến 13-15 tháng tuổi, vẫn rất tốt, thực tế tại nhiều trường ở mầm non đang thực nghiệm, các em bé 13- 15 tháng tuổi tỏ ra thích nghi và thay đổi mạnh mẽ về thói quen ăn uống, thói quen giao tiếp so với chính em ấy khi mới đến lớp. Tất nhiên là hơi vất vả cho các cô giáo rồi.


Theo cô, để trở thành một nhà giáo, một người ươm mầm cho đất nước cần phải có những yếu tố nào?
Tôi nghĩ câu này đã được trả lời đầy đủ ở trên. Ngoài chuyên môn được đào tạo, còn là đạo đức nghề nghiệp và sự tự trọng về nghề của mình để giữ gìn hình ảnh của nghề.


Cảm ơn cô !


Theo Eva.vn