Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi ở Tây Ninh


Tây Ninh được xem là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội ở phía nam. Tuy nhiên, những năm qua, tỉnh Tây Ninh luôn tích cực chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo (GD và ĐT). Trong đó, chú trọng phát triển giáo dục mầm non, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (PCGDMNCTNT).

Kết quả bước đầu
Đến xã Long Thành Trung (huyện Hòa Thành), nơi có địa bàn rộng, nhưng đội ngũ giáo viên ít, cho nên việc điều tra, vận động trẻ ra lớp còn khó khăn. Mặc dù vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương đã nỗ lực vào cuộc, căn cứ vào thực tiễn địa bàn, có nhiều giải pháp hữu hiệu thực hiện PCGDMNCTNT. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Trung Nguyễn Văn Lộc, chính quyền địa phương đưa công tác phổ cập giáo dục nói chung, PCGDMNCTNT nói riêng vào nghị quyết hằng năm và lập kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hiệu quả. Tại trường mầm non, các cô giáo có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, như tổ chức chuyên đề, hội giảng, hội thi, hội thảo; đội ngũ giáo viên dạy lớp mẫu giáo năm tuổi bảo đảm trình độ đạt chuẩn trở lên... Vì vậy, tỷ lệ huy động trẻ mầm non năm tuổi đến trường tăng đáng kể, đạt 99,07%; toàn bộ trẻ ra lớp đều được chăm sóc bán trú.


Không chỉ ở xã Long Thành Trung, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành Võ Thị Kim Huệ, hiện trên địa bàn huyện còn khó khăn về cơ sở vật chất, phòng học mầm non, nhưng với nỗ lực từ năm 2011 đến 2016 toàn huyện đã đầu tư hơn 131 tỷ đồng cho giáo dục mầm non; công tác PCGDMNCTNT đạt nhiều kết quả. Mạng lưới gồm 16 trường mầm non, mẫu giáo phủ kín tám huyện, thị trấn với tỷ lệ trẻ năm tuổi ra lớp đạt 99,23%; tỷ lệ giáo viên dạy lớp mẫu giáo năm tuổi đạt chuẩn trở lên chiếm 100%...


Khác với huyện Hòa Thành, Bến Cầu là huyện giáp biên giới; bố mẹ của trẻ phần đông là công nhân khu kinh tế Mộc Bài, cho nên việc đưa đón chăm sóc trẻ còn hạn chế... Tuy nhiên, hằng năm, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của huyện tích cực thực hiện các giải pháp theo lộ trình và thường xuyên kiểm tra, giám sát đốc thúc việc triển khai công tác phổ cập. Theo Trưởng phòng GD và ĐT huyện Lý Thanh Bình, đến nay, mạng lưới trường mầm non, mẫu giáo có ở khắp chín xã, thị trấn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Số trẻ mầm non năm tuổi ra lớp đạt 99,7%. Công tác chăm sóc trẻ được bảo đảm tốt, với 100% số trẻ mầm non các độ tuổi ra lớp được theo dõi tăng trưởng để thực hiện công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và thừa cân. Ngành giáo dục huyện triển khai thực hiện chuyên đề "nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non" cho 100% số cán bộ quản lý, giáo viên các trường.


Sự nỗ lực của từng địa phương cũng như các cấp, các ngành trong tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy công tác PCGDMNCTNT có những chuyển biến rõ rệt. Đánh giá của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ Tây Ninh cho thấy, những năm gần đây, nhận thức về nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhất là PCGDMNCTNT của các cấp chính quyền và người dân được nâng lên. Toàn tỉnh đầu tư ngân sách cho phát triển giáo dục mầm non từ 2011 đến 2016 hơn 971 tỷ đồng; các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non, nhất là mầm non năm tuổi được quan tâm chăm lo, giúp các cô giáo yên tâm gắn bó với nghề. Toàn tỉnh có 1.125 phòng học dành cho cấp học giáo dục mầm non; các công trình nước sạch, vệ sinh được đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa bảo đảm đầy đủ, hợp vệ sinh. Trong đó có 22,9% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi ra lớp toàn tỉnh đạt 99,4%...


Tăng đầu tư cho giáo dục mầm non

Mặc dù đạt nhiều kết quả trong PCGDMNCTNT, nhưng theo Giám đốc Sở GD và ĐT Tây Ninh Mai Thị Lệ, quá trình thực hiện với đặc thù của địa phương vẫn còn những bất cập. Nhất là kinh phí PCGDMNCTNT còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác phối hợp thực hiện phổ cập giữa ngành giáo dục với một số ngành chưa chặt chẽ. Đáng chú ý, do còn thiếu phòng học và thiếu giáo viên, cho nên việc huy động trẻ năm tuổi ra lớp khá vất vả. Thực tế, toàn tỉnh còn thiếu 25 điểm trường chưa có sân chơi, 103 sân trường chưa có đồ chơi (chiếm tỷ lệ 31%); mới có 77,3% trẻ mầm non được tổ chức bán trú. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh còn thiếu khá nhiều, tính trung bình mới đạt 1,6 giáo viên dạy trẻ năm tuổi/lớp (nếu đủ số trẻ tối đa theo quy định bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp).


Theo Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Bá Minh, tỉnh Tây Ninh đã tích cực triển khai và đủ điều kiện đạt chuẩn PCGDMNCTNT. Tuy nhiên, so với yêu cầu nâng cao chất lượng tỷ lệ huy động trẻ mầm non nói chung của toàn tỉnh còn thấp hơn trung bình cả nước. Mặc dù những năm qua, toàn tỉnh đã tuyển dụng tăng thêm hơn 800 giáo viên mầm non, nhưng vẫn chưa đủ tỷ lệ giáo viên/lớp, khiến đội ngũ giáo viên mầm non khá vất vả, ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục rà soát lại mạng lưới trường lớp mầm non, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và tuyển dụng đội ngũ giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung, PCGDMNCTNT nói riêng.


Theo Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tỉnh Tây Ninh, thời gian tới, toàn tỉnh sẽ đưa chỉ tiêu PCGDMNCTNT vào nghị quyết đảng bộ, chính quyền các cấp, nhằm tăng hiệu quả phổ cập, nâng cao chất lượng giáo dục. Triển khai thực hiện đề án "hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Tây Ninh, giai đoạn 2015-2020"; đề án "hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn khó khăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2015-2020", nhằm thu hút trẻ ra lớp, đáp ứng tốt nhu cầu gửi trẻ của người dân. Đáng chú ý, tỉnh sẽ chú trọng tuyển dụng, hợp đồng giáo viên mầm non bảo đảm đủ số lượng theo quy định và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên, những người tham gia công tác phổ cập giáo dục... nhằm từng bước thúc đẩy giáo dục mầm non nói chung, PCGDMNCTNT nói riêng đạt kết quả cao, bền vững.


Theo Nhân Dân