Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ở nước ngoài, trẻ em được giáo dục giới tính như thế nào?


Trong khi trẻ con Việt Nam vẫn ngô nghê lầm tưởng mình được sinh ra từ rốn của mẹ hay được bố mẹ nhặt mang về, thì trẻ con nước ngoài lại rất hiểu vấn đề này.


Anh: Trẻ em bắt đầu được giáo dục giới tính khi còn mầm non.

Pháp luật Anh quy định rất rõ rằng trẻ khi đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính một cách bắt buộc. Chương trình với tên gọi "Khóa học Nhà nước yêu cầu" được áp dụng cho tất cả học sinh tại các trường công lập hay tư thục cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Chương trình học được chia làm 4 phần tương ứng với 4 độ tuổi.


Ngoài ra, Vương quốc Anh còn đang áp dụng phương pháp "giáo dục đồng cấp". Thông qua sự phát triển của việc giáo dục giới tính vị thành niên và việc sử dụng hình ảnh tương tác, phương pháp này được áp dụng nhằm hạn chế tệ nạn và tình trạng xâm phạm tình dục ở vị thành niên.


Ở Anh, giáo dục giới tính là chương trình bắt buộc đối với trẻ từ 11 tuổi. Ảnh: Mirror.


Thuỵ Điển: Giáo dục giới tính qua truyền hình

Thuỵ Điển là một trong những quốc gia tiên phong trong việc giáo dục giới tính cho trẻ em. Những chương trình giáo dục giới tính cho học sinh đã được Thuỵ Điển triển khai từ năm 1942. Một trong số đó là "Giáo dục phòng tránh thai" - chương trình giáo dục giới tính đầu tiên được công nhận tại một trường học. "Giáo dục phòng tránh thai" được đưa vào giảng dạy cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên nhằm trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về mang thai và sinh con. Khi lên bậc trung học, các học sinh sẽ được học về đặc tính sinh lý của nam và nữ.


Năm 1966, Thụy Điển đã chính thức đưa "Giáo dục phòng tránh thai" và nhiều hoạt động khác về giáo dục giới tính lên truyền hình, phá vỡ sự ngại ngùng cho phụ huynh khi trò chuyện với con em về vấn đề này. "Giáo dục phòng tránh thai" cung cấp đầy đủ kiến thức về phòng tránh thai cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Từ đó, các em sẽ biết cách tự bảo vệ mình để không bị lạm dụng về tình dục cũng như mang thai ngoài ý muốn.


Mỹ: Giáo dục giới tính được phân theo các cấp học.

Ở tiểu học, các em nhỏ được thầy cô giới thiệu sơ lược về những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà.


Ở cấp trung học cơ sở trở lên, kiến thức về giáo dục giới tính được nâng cấp lên đáng kể, trực diện và hướng dẫn chi tiết. Học sinh được tìm hiểu về tình dục, giới tính, các căn bệnh truyền nhiễm, việc mang thai... Tuy nhiên, cách mà người Mỹ dạy cho trẻ em còn lồng ghép cả nội dung giáo dục tính người: Biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới.


Malaysia: Trẻ em sẽ học giới tính từ khi lên 4

Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong tại khu vực Đông Nam Á về công tác phổ cập giáo dục giới tính cho trẻ em. Tương tự như Anh, Chính phủ Malaysia khuyến cáo trẻ em nên được giáo dục giới tính từ năm 4 tuổi. Chương trình học của các bé sẽ do Bộ Phát triển Phụ nữ, Gia đình và Cộng đồng, Bộ Giáo dục, những chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ biên soạn.


Vừa qua, giáo án dự thảo dành cho môn giáo dục giới tính chung ở Malaysia đã được Nội các Chính phủ nước này phê duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc giáo dục giới tính sẽ trở thành một môn học chính thức ở các trường học trong vòng 2 năm tới. Chương trình học này không chỉ dừng lại ở những kiến thức sinh sản cần thiết mà các học sinh sẽ được tham gia vào những khóa học về phát triển con người, hôn nhân và gia đình, kỹ năng giao tiếp và quan hệ tình dục an toàn.


Hà Lan: Cả gia đình trò chuyện về giới tính trong bữa ăn

Nếu như tại nhiều quốc gia khác, cha mẹ thường cảm thấy ái ngại và bối rối, không biết phải mở lời với các con như thế nào về chủ đề giới tính thì tại Hà Lan, chủ đề này được các gia đình đề cập đến rất thường xuyên trong những lúc quây quần bên nhau.


Bên cạnh đó, giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy ở Hà Lan từ rất sớm. Thậm chí, trẻ em bậc tiểu học ở nước này còn được học những bài học về tôn trọng những người chuyển đổi giới tính, lưỡng tính hay đồng tính.


Có lẽ nhờ phương pháp giáo này mà Hà Lan luôn được ca ngợi là một trong những quốc gia đi đầu về giáo dục giới tính. Ngoài ra, Hà Lan còn là một trong những nước có tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất trên thế giới (khoảng 0,5%).


Ở châu Á, các quốc gia như Indonesia, Mông Cổ, Hàn Quốc cũng có những chính sách về giảng dạy giới tính tại trường học. Malaysia, Philippines và Thái Lan thiên về giáo dục chi tiết sức khoẻ sinh sản trong khi Ấn Độ lại có chương trình với mục tiêu hướng tới trẻ em từ 9 tới 16 tuổi.


Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh. Tại Trung Quốc và Sri Lanka, giáo dục giới tính truyền thống gồm đọc về giai đoạn sinh sản trong các cuốn sách giáo khoa sinh học.


Theo HNM