Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nếu trẻ tiêu chảy, vết thương lâu lành nghĩ ngay đến thiếu kẽm


Kẽm tác động đến hơn 200 loại enzym của cơ thể, trong đó có những loại enzym đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp protein. Vì thế, kẽm có tác động quan trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cơ thể.


Ăn uống thiếu kẽm sẽ khiến trẻ mệt mỏi, suy dinh dưỡng, rụng tóc... Thiếu kẽm cũng là tiền nguyên nhân gây tiêu chảy, thiếu hụt năng lượng, hệ miễn dịch suy yếu, trí nhớ giảm sút, vết thương chậm lành, rối loạn chức năng thần kinh và ù tai.


Do đó, khi trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ nhi khoa thường khuyên cha mẹ nên thay đổi chế độ dinh dưỡng cho con với việc tăng cường bổ sung hàm lượng vi chất kẽm. Bởi chức năng của kẽm góp phần lập lại quá trình hấp thu bình thường của nhu động ruột khi nó bị ảnh hưởng bởi những tác nhân tiêu cực trong quá trình trẻ bị tiêu chảy. Không chỉ vậy, kẽm còn kích thích vị giác, giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn, hạn chế nguy cơ trẻ biếng ăn sau tiêu chảy hay chứng biếng ăn nói chung.


Kẽm rất cần thiết với sức khỏe của mọi lứa tuổi nhưng mỗi ngày không nên bổ sung quá nhiều kẽm


Với trẻ độ tuổi từ 1 đến 8, không phân biệt giới tính, cần 3- 5mg kẽm mỗi ngày, lượng kẽm tăng dần cùng quá trình tăng trưởng của bé.


Bé trai 9-13 tuổi cần 8mg kẽm/ngày; sau 14 tuổi bé trai cần 11mg kẽm/ngày. Còn bé gái trên 8 tuổi cần 8mg kẽm/ngày.


Kẽm rất cần thiết với sức khỏe ở mọi lứa tuổi nhưng mỗi ngày không nên bổ sung quá nhiều kẽm. Bởi nếu cơ thể phải tiếp nhận lượng kẽm "quá liều" thì sẽ làm tăng nguy cơ gây dị ứng, nôn ói, gây thiếu đồng, làm giảm hấp thu sắt.


Kẽm tập trung nhiều trong các loại thực phẩm như thịt đỏ, hải sản (nhất là hàu), thực phẩm có nguồn gốc từ bơ sữa. Ngoài ra, các loại ngũ cốc và họ nhà đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu tương, thực phẩm chế biến từ đậu tương) cũng cung cấp cho cơ thể lượng kẽm dồi dào.


Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, trẻ có thể sử dụng các thuốc, thực phẩm chứa kẽm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mỗi trẻ có nhu cầu kẽm khác nhau, do đó, trước khi bổ sung kẽm cho con, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chỉ định liều dùng hợp lý, tránh tình trạng bổ sung quá nhiều, dẫn đến thừa kẽm, không tốt cho sức khỏe.


Thông thường, thời gian bổ sung khoảng 2-3 tháng, thời điểm uống sau ăn 30 phút. Khi dùng kẽm nên kết hợp cùng các loại vitamine A, B6, C và phospho, vì các chất này làm tăng sự hấp thu kẽm. Còn nếu trẻ đang bổ sung sắt thì thời gian bổ sung kẽm nên cách xa để sắt không cản trở sự hấp thu kẽm.


Theo PNVN