Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bịt hai bên để con xì mũi, phụ huynh sẽ hối hận khi bé 'gánh' hậu quả này


Xì mũi sai cách có thể ảnh hưởng đến tai, nặng nhất là viêm tai giữa cấp.

Những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường liên tục, nóng chuyển lạnh, lạnh chuyển sang nóng một cách đột ngột khiến sức khỏe đường hô hấp, đặc biệt là của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh đường hô hấp mà trẻ thường gặp chủ yếu là sổ mũi, ngạt mũi, ho... Để mũi được thông thoáng, nhiều cha mẹ liên tục thúc con "xì mũi" .


Con gái chị Ngọc Thu (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) thường hay bị sổ mũi. Những khi thời tiết thay đổi, mặt mũi con chị lúc nào cũng như "mặt mèo" do quệt nước mũi. Nhìn con không được sạch sẽ như bạn bè, chị Thu luôn miệng dặn con "cứ có nước mũi là phải xì", "xì thật mạnh vào". Con xì mũi xong, chị lấy luôn khăn giấy "vặt" nước mũi hai bên cho thật sạch.


"Con sổ mũi, không bắt con xì thì con khó thở. Nhưng nếu hay xì mũi thì mũi sẽ đỏ và đau. Nhiều hôm mũi con đau rát, sưng đỏ vì xì và lau, cháu khóc và không chịu xì nữa vì đau. Nhưng không làm vậy thì lúc nào nước mũi cũng lòng thòng", chị Thu tâm sự.


Chị Vân Hà (Q. Ba Đình, Hà Nội) rất tích cực vệ sinh mũi cho con bằng cách xì và rửa mũi. Tuy nhiên, mũi con chị vẫn tắc và có cảm giác ù, đau tai sau khi xì. Mỗi lần chị hút mũi, con gào khóc, giãy giụa rất nhiều. Thậm chí, có lần con chị Hà đã bị sặc, nuốt cả nước mũi bẩn vào trong miệng. Chị cho con đi khám được bác sĩ chỉ cho xem hình ảnh màng nhĩ tấy đỏ mới giật mình. Bác sĩ giải thích hậu quả đó là do con chị xì mũi không đúng cách và lạm dụng rửa mũi.


Xì mũi thế nào là đúng cách

Bác sĩ CK II Nguyễn Văn Hải (TP. HCM) cho biết, ông đã từng chứng kiến rất nhiều bà mẹ xì mũi cho con theo kiểu bịt hai hốc mũi rồi hô "Xì mũi đi con! Một hai ba! Xì! ". "Đến tối, con lên cơn sốt và đau tai. Sáng hôm sau mẹ đưa cháu đến khám, soi tai thì thấy mang nhĩ đỏ phồng thì ra con bị viêm tai giữa cấp do xì mũi sai cách", bác sĩ Hải kể.


Nhiều người nghĩ xì mũi là việc bình thường, đơn giản, ai cũng làm được. Nhưng thật ra không phải vậy, rất ít người biết xì mũi cũng cần đúng cách.


Điều này có nghĩa phải xì sạch mũi mà không được gây tác hại cho các bộ phận lân cận như xoang, tai... "Mũi và tai thông với nhau qua vòi nhĩ, mũi và xoang thông với nhau qua các lỗ thông xoang. Khi bịt hai mũi và xì gây ra một phản ứng dội vào trong.


Phản ứng dội khiến áp suất khí trong vòm mũi họng tăng rất cao. Áp lực đó sẽ đập lên màng nhĩ gây cảm giác ù tai. Theo đó, vi trùng, vi rút, nước mũi rất có thể bị kéo ngược lên tai. Với trẻ nhỏ, kích thước của ống dẫn từ mũi họng lên tai lại rất gần, dịch bẩn dễ dàng bị đẩy ngược và gây ra viêm tai giữa cấp, tắc vòi nhĩ... rất nhanh", bác sĩ Hải phân tích.


Nguyên tắc xì mũi "đúng cách" là xì một bên, bịt một bên. Tuyệt đối không cùng lúc bịt cả hai bên cánh mũi rồi xì. Bởi nếu cách xì như thế sẽ gây phản ứng dội, viêm tai giữa cấp.


Với trẻ em, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mũi mỗi bên khoảng 3 - 5 giọt trước khi hướng dẫn con xì mũi. Ngoài ra, để hút mũi phải xin tư vấn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc.


Người lớn bị tắc mũi, khó xì cũng có thể áp dụng phương pháp làm thông mũi này. Ngoài ra, dân gian còn có một cách khác để làm thông mũi đó là dùng ngón tay day nhẹ lên huyệt nghinh hương ở gần hai bên cánh mũi. Khi day vài ba phút là mũi sẽ thông.


"Nếu bé bị ngạt mũi hoặc chảy nhiều nước mũi, tốt nhất cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa khám và hút mũi cho bé. Không nên để dịch ứ động trong mũi lâu, gây tắc mũi dẫn tới nhiều biến chứng khác", bác sĩ Hải khuyến cáo.


Theo SK&ĐS