Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

4 nguy cơ dễ khiến trẻ béo phì


Cuộc sống hiện đại, mức sống của người dân được nâng lên nhưng đi kèm với đó là tỉ lệ trẻ béo phì ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn.


Sau đây là 4 nguy cơ khiến trẻ dễ bị béo phì mà các bậc cha mẹ cần lưu tâm.


1. Cha mẹ 'quá khổ':
Nếu mẹ hoặc bố thừa cân, béo phì thì con rất có khả năng bị béo phì. Điều này là do cả môi trường lẫn di truyền. Trẻ có cả bố và mẹ đều béo phì có 70% khả năng trở nên béo phì. Còn những trẻ có mẹ béo phì thì khoảng 50% khả năng bị béo phì khi lớn lên. Do đó, nếu bố mẹ béo phì thì cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn, sức khỏe của con, để tránh trẻ bị béo phì sau này.


2. Cân nặng sơ sinh: Một em bé nặng cân khi mới sinh không có nghĩa sẽ trở nên thừa cân khi lớn lên. Ngược lại, 1 bé sơ sinh nhẹ cân không có nghĩa sẽ còi cọc khi lớn. Nhưng cân nặng sơ sinh có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bé trong tương lai. Những bé rất nặng cân khi sinh có xu hướng thừa cân khi lớn lên.


Cách tốt nhất chống lại béo phì ở trẻ nhỏ là nuôi con bằng sữa mẹ


Các bé sẽ có tầm vóc khỏe mạnh nếu mẹ tăng cân vừa phải trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, các bà mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về mức cân mình nên đạt được khi mang thai. Theo các chuyên gia sản, phụ khoa, 1 thai phụ thiếu cân nên tăng từ 12,7kg đến 14,1kg; thai phụ có cân nặng trung bình nên tăng từ 11,3kg đến 15,8kg và thai phụ thừa cân chỉ nên tăng từ 5kg đến 9,1kg.


3. Tỉ lệ nghịch giữa tăng trưởng chiều cao - cân nặng: So sánh bé với bạn bè cùng lứa là một sai lầm. Vì 1 em bé 4 tháng tuổi, nặng 5,4kg và 1 em bé cùng tháng nặng 8,1kg đều hoàn toàn khỏe mạnh nếu cân nặng của chúng tăng gấp đôi cân nặng lúc mới sinh. Đó là lý do tại sao các bác sĩ nhi khoa lại theo dõi sự phát triển của trẻ nhỏ trên 1 biểu đồ theo dõi chiều cao, cân nặng, chu vi đầu và sẽ không lo lắng khi các thông số đều tương đối ổn định. Nếu sự tăng trưởng theo đúng biểu đồ thì nghĩa là tầm vóc của trẻ hoàn toàn bình thường.


Sự tăng trưởng của bé có thể đáng báo động nếu có sự khác nhau lớn giữa chiều cao và cân nặng, ví như trẻ quá to so với vóc người. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn.


4. Thói quen cho con ăn:
Cách tốt nhất chống lại béo phì ở trẻ nhỏ là nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ rất thích mút, vì vậy khi bạn bắt đầu cho con bú bình mỗi lúc bé khóc, bé sẽ có thói quen ăn quá nhiều. Trong khi đó, cho bé bú mẹ là một "tấm lá chắn tự nhiên" chống lại việc ăn quá nhiều, vì bé sẽ bắt đầu ăn khi đói và dừng lại khi đã thỏa mãn. Bé được bú mẹ sẽ tự điều chỉnh được "khẩu phần" của mình. Các bà mẹ hay cho bé sử dụng sữa công thức, do sợ con mình sẽ sụt cân ở 1 hay 2 tuần đầu do không đủ sữa mẹ. Song, đây là một sai lầm, vì sữa mẹ sẽ về sớm và đủ nếu cho con bú thường xuyên và mẹ bổ sung dưỡng chất hợp lý.


Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho con ăn lượng phù hợp bằng cách nhận biết các dấu hiệu khi bé đói và không bị nhầm lẫn với sự mệt mỏi hoặc khó chịu của trẻ.


Theo PNVN