Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 tuyệt chiêu chăm con kén ăn của mẹ.


Hiểu khẩu vị của bé, tính toán lượng dinh dưỡng, bắt chước cách trang trí món ăn trên mạng... là bí quyết giúp con gái tăng 2kg trong 3 tháng của mẹ Quỳnh Anh.

 

Con kén ăn là nỗi ám ảnh của chị Quỳnh Anh (quận Phú Nhuận, TP HCM). Bé 5 tuổi nhưng chỉ nặng 15kg, nhỏ và thấp hơn các bạn cùng trang lứa. Công việc bận rộn, chị vẫn chăm lo từng chút đến bữa ăn của con. Có món gì ngon bổ, chị cũng bỏ thời gian, công sức ra chế biến cho bé. Thế nhưng, cô con gái kén ăn luôn cự tuyệt các món ngon mẹ làm.


"Mỗi bữa ăn giống như cuộc chiến giữa mẹ với con. Cứ đến giờ ăn là cả hai đều căng thẳng, mẹ thì ra sức ép ăn, con thì lắc đầu, ngậm miệng, đẩy tay chối bỏ", chị Quỳnh Anh kể.

Nhiều trẻ biếng ăn từ trong tâm lý.Ảnh minh họa

 

Sau thời gian dài, chứng biếng ăn càng nghiêm trọng hơn, chiều cao và cân nặng của bé dậm chân tại chỗ. Lúc này hai vợ chồng chị Quỳnh Anh bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc các tài liệu nước ngoài, cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để có phương pháp giúp con tăng cân khoẻ mạnh. Sau hơn 3 tháng kiên trì áp dụng, bé tăng được 2kg nhờ 5 tuyệt chiêu dưới đây:


Hiểu khẩu vị của bé

Sau nhiều năm làm mẹ, chị Quỳnh Anh đúc kết ra rằng, sai lầm của phụ huynh là cho con ăn theo khẩu vị của mình, mà bỏ qua sở thích ăn uống của trẻ. Vậy nên bé không mặn mà với đồ ăn thức uống nấu sẵn. Chỉ cần để ý thói quen ăn uống, hỏi xem bé thích ăn gì, quan sát ăn nhiều món nào, vị đồ ăn ra sao mới ngon miệng... bạn sẽ biết được khẩu vị của bé.


Bé nhà chị Quỳnh Anh thích trứng và sữa. Các bữa chính, chị năng làm món ăn có 2 nguyên liệu này. Các bữa phụ, luôn ưu tiên món bánh trứng, sữa chua trái cây, phô mai, salad trang trí vài lát trứng luộc bên trên... để bé làm quen với món mới và ăn được nhiều trái cây, rau củ.


Tính toán lượng calo, dinh dưỡng

Chị Quỳnh Anh tuyệt đối không cho bé ăn theo cảm tính, mà nghiên cứu kỹ lượng calo cũng như các dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn. Dựa trên công thức "Lượng calo bé cần = 1.000 + 100 x Số tuổi", chị tính toán mỗi ngày bé cần 1.700kcal.


Ngoài canxi cho hệ xương, bé cần thêm protein để phát triển hệ cơ và các cơ quan khác; chất xơ để hỗ trợ tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất; carbohydrate giúp cung cấp và dự trữ năng lượng... Trên cơ sở này, chị Quỳnh Anh mới chọn nguyên liệu và thực phẩm cho các món ăn của con.


Trang trí món ăn đẹp mắt

Cũng như người lớn, trẻ con thích ăn những món trang trí đẹp mắt, tạo cảm giác ngon miệng. Vì vậy, để giúp bé thích thú với bữa cơm, chị Quỳnh Anh bắt chước cách các bà mẹ Nhật trang trí món ăn. Ví dụ như biến món trứng ốp la thành người tuyết ngộ nghĩnh, vẽ thêm mặt cười cho bánh nướng... Nhờ vậy, chị dụ được bé ăn những loại rau củ, hoa quả... mà trước đây con không bao giờ đụng đến.


Không xem quảng cáo, ca nhạc khi ăn

Thói quen này khiến bé không tập trung vào việc thưởng thức, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá thức ăn. Để bữa ăn của con vẫn vui nhộn, trước khi nấu nướng, chị Quỳnh Anh khuyến khích bé cùng vào bếp chuẩn bị với mình. Lúc này, chị sẽ tranh thủ dạy con cách phân biệt và chọn thức ăn tốt cho sức khoẻ, để bé ý thức được tầm quan trọng của bữa cơm.


Chị Quỳnh Anh thường để bé ngồi ăn cùng cả nhà, tổ chức cuộc thi ai ăn nhanh nhất để bé thêm hào hứng. Ngoài ra, chị luôn rèn con ăn uống đúng giờ, gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày. Cách này giúp bé hạn chế ăn vặt, tiếp xúc với thực phẩm không tốt cho sức khoẻ.


Cùng bé lên thực đơn

Cuối tuần, chị Quỳnh Anh sẽ hỏi xem con thích ăn gì vào 7 ngày tiếp theo. Hai mẹ con sẽ cùng lên thực đơn, đi siêu thị để mua thực phẩm. Chị hạn chế ép con ăn theo ý mình, thay vào đó, để bé tự do lựa chọn các món chị gợi ý sẵn, khuyến khích ăn vừa đủ. Nhờ vậy, bé vui thích với các thức ăn bổ dưỡng mẹ chọn, sẵn sàng thử thêm các món mới.


Theo Ngoisao.net