Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ có nguy cơ rối loạn hành vi vì miếng dán chống nôn


Có nhiều bà mẹ lo con đi tàu xe bị say nên đã dùng miếng dán chống nôn nhưng theo các bác sĩ nếu sử dụng không đúng cách sẽ rất nguy hại.


Theo báo VnExpress, với những người bị say tàu xe, việc dùng miếng dán chống say là giải pháp được nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, khi dùng loại thuốc thấm qua da này dễ gặp những tác dụng phụ rất nguy hiểm.


Một trường hợp điển hình đã xảy ra cách đây vài năm. Trong khi đi ôtô từ Đồng Tháp về TP HCM, lo con gái 7 tuổi bị say xe, mẹ phòng ngừa bằng cách dán hai miếng thuốc chống nôn ở phía sau tai bé. Cháu ngủ li bì, đến nơi bắt đầu thức dậy la hét và quậy phá. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) hồi cuối tuần trong tình trạng lừ đừ như say rượu, rối loạn hành vi.


Miếng dán chống nôn dùng cho trẻ em vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa


Truy mãi không xác định được lý do, cuối cùng qua lời kể của phụ huynh, các bác sĩ mới xác định nguyên nhân gây rối loạn hành vi của bé là bởi tác dụng phụ của miếng dán chống nôn.


Theo các bác sĩ, miếng dán chống nôn là loại thuốc thấm qua da có chất scopolamin. Chất này có tác dụng giảm kích thích, giảm co thắt đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn. Tuy nghiên miếng dán không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ từ 8 đến 15 tuổi chỉ được dùng 1/2 miếng dán.


Trong trường hợp này, phụ huynh đã dùng cao dán chống say sai cách vì sử dụng đến 2 miếng thuốc trong khi trẻ mới 7 tuổi. Bệnh nhi xuất viện ngay sau đó vài giờ đồng hồ trong tình trạng bình tĩnh trở lại. Bé kể, sau khi được dán miếng dán, em thấy buồn ngủ, sau đó đau đầu và không biết mình đã làm gì, nói gì.


Nói tới tác dụng phụ của miếng dán chống nôn, báo Sức Khỏe & Đời sống đưa tin, vì mang tính chất như dược phẩm nên dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Cụ thể, băng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamin, bên cạnh tác dụng chống co thắt, chống nôn cũng đồng thời có thể gây tác dụng phụ gọi là "liệt đối giao cảm" (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)...


Có trường hợp còn nghĩ đây là miếng dán chứ không phải là thuốc nên muốn dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2, 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học và rất nguy hiểm. Bởi bản thân miếng dán cũng là một dạng thuốc và đã được nhà sản xuất tính toán liều lượng tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng.


Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao. Khi đó người sử dụng sẽ ở trong tình trạng dùng thuốc quá liều, việc gặp tác dụng phụ rất khó tránh khỏi và sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc.


Tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác cộng hưởng thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường.


Do vậy, khi dùng băng dán xuyên da chống nôn, ta cần lưu ý, không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới tám tuổi. Trẻ em trên 8 - 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán. Khi đang dán băng dán xuyên da và cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay, bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da.


Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám ở bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc cho bác sĩ xử trí. Sau khi dán hoặc gỡ miếng băng dán nên rửa tay cho kỹ, để thuốc không dính vào thức ăn, thức uống.


Theo SK&ĐS