Trẻ em thường hay bị ốm hơn so với người lớn, có bé bị ốm nhiều lần trong năm. Dưới đây là một số lý do và kiến thức phụ huynh cần biết.
1.Trẻ em dưới 7 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, vì vậy trẻ dễ bị nhiễm virus cảm lạnh và cúm.
2. Trẻ nhỏ thường bị ốm do lây virus từ bạn bè, vì trẻ thường ho, hắt hơi mà không che miệng. Ngoài ra, trẻ thường xuyên tiếp xúc với các bề mặt chứa nhiều vi khuẩn như mặt bàn và đồ chơi, sau đó trẻ chạm tay vào mắt, mũi, miệng làm gia tăng sự lây lan mầm bệnh.
3. Đường hô hấp trên của trẻ nhỏ (bao gồm cả tai) chưa phát triển hoàn thiện khiến virus, vi khuẩn có thể xâm nhập dễ dàng và thường xuyên hơn.
4. Thực tế là trẻ em thường tiếp xúc với nhiều trẻ em khác (ví dụ như ở lớp, ở nhà trẻ) làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
5. Cha mẹ quá lạm dụng kháng sinh dẫn đến tiêu diệt vi khuẩn gây hại đồng thời cũng tiêu diệt vi khuẩn có lợi. Mất đi vi khuẩn có lợi làm cho khả năng miễn dịch của cơ thể giảm đi rõ rệt.
Những triệu chứng cảm lạnh thông thường như: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ho, đau hoặc ngứa họng, sốt nhẹ và hoặc nhức đầu ở trẻ sẽ giảm sau vài ngày. Thông thường, trẻ thường bắt đầu bị ốm vặt từ 6 tháng tuổi, đặc biệt là khi trẻ sống trong một gia đình đông người.
Vậy trẻ ốm với tần suất như thế nào mới là bất thường?
Một đứa trẻ mới chập chững biết đi thường bị ốm khoảng 8 lần mỗi năm. Trẻ ở tuổi đi học cũng ốm từ 5-6 lần mỗi năm. Trong khi người lớn chỉ ốm 2-3 lần mỗi năm.
Mỗi ngày trẻ vẫn đang tiếp xúc với hơn 200 loại virus cảm lạnh thông thường phát tán trong không khí. Và trẻ nhỏ đang xây dựng khả năng miễn dịch sau mỗi trận ốm để dần dần trở nên khỏe mạnh và cứng cáp hơn.
Dưới đây gợi ý các bậc cha mẹ nên cân nhắc :
1. Hãy trao đổi với bác sỹ về các triệu chứng của con bạn, không tự chẩn đoán và chữa bệnh.
2. Đừng quá lo lắng, nếu đứa con 1 tuổi của bạn ốm từ 6-8 lần mỗi năm vì đây là ngưỡng phổ biến của trẻ. Hãy nhớ rằng, đây là là thời gian tuyệt vời để trẻ xây dựng khả năng miễn dịch.
3. Hãy chú ý đến các dấu hiệu làm trẻ dị ứng.
4. Cho trẻ uống đủ nước, ăn ngủ điều độ để xây dựng một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Bạn nên cho con ăn thật nhiều trái cây, rau quả thay vì nước ngọt và đồ ăn nhanh.
5. Vitamin C đã được chứng minh giúp giảm thời gian chữa trị cảm lạnh (giảm 18%) vì vậy bạn nên cho con uống nhiều nước cam, chanh trong thời gian bị ốm.
6. Hãy tiêm phòng cúm hàng năm cho con.
7. Tìm hiểu nhiều hơn về phòng ngừa và điều trị cảm lạnh thông thường.
Theo SK&ĐS