Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 bí quyết để con thích học hơn ham chơi


Học giỏi đều các môn là điều không đơn giản với hầu hết mọi đứa trẻ, vì thế cha mẹ hãy tôn trọng sở thích của con.


Là một bà mẹ có hai con học lớp 3 và lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội, chị Minh Ngọc cho rằng: "Trẻ không thích đi học là có lý do và nhiệm vụ của bố mẹ là tìm ra điều đó để khuyến khích con thích học". Chị Ngọc cũng chia sẻ một số bí quyết có thể hữu ích cho các bố mẹ nhằm giúp con say mê học hành và tiến bộ trong học tập.

1. Tìm hiểu nguyên nhân con không thích học
Thông thường, trẻ chỉ bỡ ngỡ, lạ lẫm vào những ngày đầu năm học khi chưa quen trường, quen cô và các bạn. Nhưng nếu đã học gần hết một học kỳ mà con vẫn thấy lạ lẫm và không thích đến trường thì bố mẹ cần tìm hiểu lý do bằng cách tâm sự với con, sau đó hỏi cô giáo và các bạn của con. Theo chị Minh Ngọc, có một số nguyên nhân khiến con không thích học như ở trường con bị các bạn "hit-le", con sợ cô giáo, con không hiểu bài hoặc con bị điểm kém sợ bố mẹ phạt... Tìm hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bố mẹ có cách gỡ rối cho con.


2. Giúp con xác định mục đích của việc học

Bố mẹ cần nói chuyện với con để xác định mục tiêu học hành cho con, tránh suy nghĩ "con học là cho bố mẹ". Theo chị Minh Ngọc, việc nói chuyện với con về việc học theo kiểu giáo điều, hô khẩu hiệu thường làm trẻ cảm thấy khó hiểu và chán ngắt. Bố mẹ cần nêu những mục tiêu thiết thực, lấy ví dụ dễ hiểu được minh họa bằng những người gần gũi với con để giải thích thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Nếu sau đó, tự bản thân con nhận thức và chia sẻ với bố mẹ rằng: "Con muốn học giỏi là để sau này làm chú công nhân" là bố mẹ đã thành công bởi ít ra con đã xác định cho mình mục đích học hành cho dù mục đích đó chưa "chín chắn". Khi con xác định được việc học là cho chính mình thì con sẽ có trách nhiệm và tự giác học hơn.


3. Không ép con, tạo áp lực học tập cho con

Nhiều bố mẹ kỳ vọng cao vào sức học và thành tích của con, đi đâu cũng khoe con học giỏi nhưng đến khi con không đạt được thành tích nào đó, bố mẹ tỏ ra thất vọng, mất lòng tin nơi con. Theo chị Ngọc, "khi biết bố mẹ như vậy, trẻ cảm thấy căng thẳng và lo lắng liệu mình có tiếp tục đạt được kết quả như vậy không. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ". Trong trường hợp này, bố mẹ không nên tạo áp lực cho con mà chỉ động viên, khuyến khích con tiếp tục giữ vững thành tích. Trường hợp đã trót "tâng bốc" con lên, khi con đạt thành tích kém, bố mẹ đừng nên vì đó mà mắng mỏ con, hãy cùng con trải nghiệm cảm giác thất bại để con cảm thấy được an ủi và chia sẻ.


4. Khuyến khích con tham gia các hoạt động của trường, lớp

Do phần lớn thời gian trong ngày con học ở trường nên bố mẹ hãy động viên con nhiệt tình tham gia các hoạt động tập thể của trường, lớp. Chị Minh Ngọc cho biết: "Nhiều bố mẹ sợ con tham gia hoạt động sẽ ảnh hưởng đến thời gian học tập nên đã cấm đoán con". Tuy nhiên, con có thể hòa nhập với các bạn khi tham gia các hoạt động này, đồng thời tìm thấy được sở thích, năng khiếu của mình. Sự gắn kết của con với trường lớp, các bạn cũng nhờ đó mà tăng lên.


5. Khuyến khích con yêu thích môn học

Bố mẹ đừng "coi thường" khi con mình đặc biệt yêu thích môn địa lý hay môn lịch sử mà không phải là văn hay toán. "Hãy tôn trọng sở thích của các con bởi vì, nếu yêu thích, các con sẽ học rất tốt môn học đó", chị Ngọc chia sẻ.


Hầu hết bố mẹ đều mong muốn con mình học giỏi đều các môn nhưng nếu con dù đã cố gắng mà vẫn không thể thì bố mẹ hãy để con phát huy môn học mà con yêu thích. Còn các môn học khác, để giúp con có hứng thú hơn, bố mẹ có thể cùng con làm bài, tìm ra chỗ con bị "hổng" để bổ sung kiến thức cho con. Khi hiểu bài, con sẽ không còn né tránh môn học đó nữa và có ý thức học tập hơn.


Theo Ngoisao.net