Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khoa học chứng minh: Con đầu thường thông minh hơn con thứ


Theo kết quả của nghiên cứu này thì con đầu thường thông minh hơn các em của mình. Trẻ sẽ có kết quả học tập và nhận thức tốt hơn so với các em khi ở cùng độ tuổi.


Theo kết quả của các nghiên cứu trước đây thì trong gia đình có từ 2 con trở lên, con thứ thường có chỉ số IQ thấp hơn và khả năng kiếm tiền ít hơn so với anh chị cả của mình. Kết quả học tập của con thứ cũng kém hơn, bên cạnh đó thì khả năng phạm tội lại cao hơn. Liệu điều này có đúng không và tại sao lại như thế?
Để kiểm chứng luận điểm này, Jee-Yeon K. Lehmann, trợ lý Giáo sư khoa Kinh Tế thuộc trường Đại học Houston, Mỹ đã lao vào nghiên cứu và kết quả được cô công bố trên tạp chí Journal of Human Resources thì con đầu thường thông minh hơn các em của mình. Trẻ sẽ có kết quả học tập và nhận thức tốt hơn so với các em khi ở cùng độ tuổi.

Con đầu lòng thường sẽ có kết quả học tập và nhận thức tốt hơn so với các em khi ở cùng độ tuổi.
Nghiên cứu này dựa trên kết quả của cuộc khảo sát quốc gia theo chiều dọc suốt thời niên thiếu của hàng ngàn thanh niên Mỹ có độ tuổi từ 14-21. Các nhà khoa học theo dõi sự tiến bộ và phát triển của các em từ lúc còn là trẻ sơ sinh đến khi trưởng thành nhằm mục đích xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi đứa trẻ như: tình cảm, hành vi, xã hội, việc làm, thu nhập, giáo dục... Ngoài ra, những người tham gia cuộc khảo sát còn thường xuyên được phỏng vấn về các vấn đề: là con thứ mấy trong gia đình, trình trạng sức khỏe, điểm thi, mối quan hệ với cha mẹ và các chi tiết khác.
"Với con đầu lòng, cha mẹ có xu hướng dành tất cả mọi thứ cho con của mình. Kể cả trong nhận thức lẫn trong hành động. Họ sẵn sàng đầu tư thời gian cho con", Lehmann nói. "Nhưng với con thứ thì cha mẹ lại có xu hướng thư giãn hơn, họ biết trẻ cần gì và chỉ cung cấp những thứ mà họ cho là trẻ cần".
Theo kết quả nghiên cứu của cô: cha mẹ nào cũng có một tình yêu thương vô bờ bến và nguyện dành tất cả mọi thứ tốt đẹp cho các con của mình. Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận được là anh chị cả trong nhà bao giờ cũng được cha mẹ quan tâm, lo lắng và dành nhiều thời gian hơn. Bởi lúc đó, cả thế giới chỉ thu nhỏ lại bằng một đứa trẻ nên mọi người ai cũng chỉ chăm chăm vào "thế giới" ấy. Nào là dạy con học nói, dạy con về màu sắc, về cơ thể, về hoa, lá, về muôn vạn điều mới lạ khác. Do đó, những đứa con đầu lòng thường được kích thích về tinh thần nhiều nhất.
Còn với con thứ, cha mẹ thường dành ít thời gian để đọc sách cho con, dạy con các khái niệm cơ bản, dạy con về muôn màu của cuộc sống. Cha mẹ cũng ít khi tham gia chơi cùng con. Bởi lúc đó, cha mẹ phải đối mặt với những vấn đề về thời gian, kinh tế, phải phân bổ sự chú ý và đáp ứng nhu cầu của nhiều hơn một đứa trẻ cùng một lúc. Vì vậy "trong trường hợp này, cha mẹ thường tự điều chỉnh thái độ, thay đổi hành vi một cách vô ý thức", Lehmann cho biết.

Muốn các con thông minh, nhanh nhẹn thì cha mẹ hãy luôn dành thời gian để chơi với con, dạy con học. Đây là cách truyền cảm hứng có tác động tích cực đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Mặc dù cô và các cộng sự nhận thấy rằng thứ tự sinh không có tác động nào vào tính khí và nhân cách của một đứa trẻ, ngoại trừ con đầu lòng thường có vẻ tự tin hơn và có kết quả học tập tốt hơn so với các em của mình. Nhưng thứ tự sinh ảnh hưởng đến khả năng tư duy của đứa trẻ. Con thứ thường có điểm kiểm tra nhận thức kém hơn các anh chị của mình.
"Tại sao lại như vậy? Vấn đề đặt ra ở đây là cha mẹ đã đầu tư nhiều tâm sức và thời gian cho những đứa con đầu lòng, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời của trẻ", Lehmann giải thích. "Tất cả những hoạt động học tập, vui chơi mà cha mẹ đã làm với đứa con đầu tiên được xây dựng trên nền tảng của sự vui mừng, hạnh phúc, lòng hăng say và nhiệt huyết nên nguồn cảm hứng mà cha mẹ truyền qua con đã có một số tác động tích cực lâu dài lên sự phát triển của trẻ".
Vậy nên, nếu muốn các con của mình đều thông minh và học giỏi thì các cha mẹ hãy điều chỉnh lại hành vi và thái độ của mình. Cho dù đó là con thứ mấy trong nhà, cho dù bận rộn như thế nào thì cha mẹ hãy luôn cố gắng dành thời gian chơi với con, học cùng con, truyền cảm hứng cho con bằng tất cả tình yêu thương và lòng nhiệt huyết. Hãy gạt bỏ hết những ưu tư phiền muộn của cuộc sống ở bên ngoài gia đình, để nhà mãi là nơi "bão dừng sau cánh cửa".

Theo Afamily