Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình: Vì sao thế mẹ ơi?


Tuy chỉ diễn ra trong vài phút và tự động hết, nhưng trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình lại làm mẹ cảm thấy lo lắng bởi không biết được nguyên nhân xuất phát từ đâu.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình, ngoài những lý do liên quan đến vấn đề sinh lý bình thường thì đây cũng là dấu hiệu cho thấy bé đang bị thiếu canxi. Lúc này mẹ cần đặc biệt quan sát nếu trẻ vẫn bú tốt và lên cân đều thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, bé vặn mình liên tục trong thời gian dài, đỏ mặt tía tai, chậm lớn, hay quấy khóc thì cần can thiệp ngay.

Trẻ sơ sinh hay vặn mình là hiện tượng sinh lý thường gặp


1/ Trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình do tác nhân từ bên ngoài
Hầu hết tất cả các trẻ từ sau khi sinh đến khi được vài tuần tuổi đều có biểu hiện vặn mình không ít thì nhiều. Bởi lúc này trẻ chưa quen với cuộc sống hoàn toàn mới bên ngoài từ cung của mẹ do đó, những tác động từ môi trường cho dù là nhỏ nhất đều có thể ảnh hưởng đến trẻ. Chẳng hạn, nơi ngủ không được thoải mái, ấp áp; Có quá nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn lớn xung quanh; Tình trạng tè dầm ướt át khiến trẻ khó chịu nên hay vặn vẹo...Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu làm cho trẻ sơ sinh hay vặn mình, vì vậy mẹ cần ưu tiên kiểm tra những điều này trước khi xem xét đến các lý do khác.
2/ Vặn mình, "thông báo" con đang đói
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ nên mỗi lần bú bé chỉ bú được một lượng sữa rất ít. Điều này đồng nghĩa với việc bé sẽ đòi bú liên tục do đó mẹ cần cho bé bú thường xuyên hơn, thông thường từ 2-3 giờ bú một lần. Tuy nhiên, nhu cầu của trẻ có thể thay đồi và đòi bú bất cứ lúc nào cần. Khi đói bé sẽ bắt đầu cựa quậy, vặn mình, uốn người...nếu vẫn chưa được đáp ứng bé sẽ rên rỉ, khóc lóc.
3/ Thiếu dưỡng chất cần thiết
Phần lớn trẻ sơ sinh hay vặn mình là hiện tượng sinh lý bình thường, tuy nhiên nếu kèm theo các biểu hiệu như: Ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, quấy khóc đêm, gồng mình quá mức...thì đây là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị thiếu hụt canxi.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị thiếu canxi là do sau khi rời khỏi bụng mẹ lượng canxi cung cấp cho trẻ bị "cắt" đột ngột dẫn đến các hiện tượng vặn mình, gồng người đỏ mặt, thức giấc giữa đêm. Đặc biệt, hay gặp nhất ở những trẻ sinh non và nếu tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
Mẹ có thể bổ sung canxi cho bé để cải thiện tình hình bằng cách: Thông qua sữa mẹ, có nghĩa là trong thực đơn hàng ngày mẹ cần ưu tiên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, hải sản, rau xanh...Nguồn canxi dồi dào từ sữa mẹ sẽ được bé hấp thu một cách tốt nhất; Ngoài ra, mẹ còn có thể cho trẻ dùng một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nhằm bổ sung canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sỹ để sử dụng lượng vừa phải tránh gặp tình trạng thừa canxi.
Bên cạnh đó, song song với việc bổ sung canxi thì mẹ cũng cần bổ sung cả vitamin D cho bé. Bởi vitamin D có vai trò vô cùng quan trọng có tác dụng chuyển hóa và làm tăng khả năng hấp thụ canxi. Tắm nắng là cách tốt nhất giúp trẻ bổ sung vitamin D, do đó mỗi ngày mẹ nên tắm nắng cho bé vào buổi sáng sớm khoảng từ 10-15 phút.

Theo Marrybaby