Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhà trẻ cho con em công nhân lao động: Mong mỏi đến bao giờ?!


Tại các nhà máy, khu công nghiệp, nhu cầu về nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân lao động (CNLĐ) là rất cấp thiết. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh hiện nay, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đó.


Nhu cầu lớn

Anh Trần Hữu Phúc (xã Thuận Lộc - TX Hồng Lĩnh) và vợ là công nhân Công ty CP Thủy sản Nam Hà Tĩnh có 1 con gái 5 tuổi và 2 con trai sinh đôi. Không may khi 2 bé sinh đôi được 10 tháng tuổi thì vợ anh bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Anh đành phải gửi đứa lớn về cho ông bà nội ở Hồng Lĩnh, 2 đứa bé cho ông bà ngoại ở Cẩm Xuyên chăm sóc. Cứ đều đặn hằng tuần, tối thứ 3, anh về Cẩm Nhượng thăm con, sáng thứ 4 quay vào công ty sớm để kịp giờ làm; tối chủ nhật lại về Hồng Lĩnh. Ròng rã như thế cho đến nay 2 cháu sinh đôi đã gần 3 tuổi.


Dù cơ sở vật chất chưa đầy đủ nhưng sự tồn tại của nhóm trẻ tại Công ty CP May Hà Tĩnh thực sự là mong muốn của nhiều công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp.


"Đường sá xa xôi, đi lại vất vả đã đành, còn tốn kém nữa, không về thì không được vì các cháu đã mất mẹ rồi. Giá như có nhà trẻ trong công ty, tôi sẽ đón mấy bà cháu vào đây để tiện chăm sóc, cha con được gần nhau, tôi cũng yên tâm công tác", anh Phúc mong mỏi.


Hoàn cảnh éo le như anh Phúc tuy không nhiều nhưng nhu cầu về nhà trẻ, mẫu giáo tại Công ty CP Thủy sản Nam Hà Tĩnh nói riêng, các nhà máy, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh ta nói chung hiện nay khá cao.


Theo số liệu khảo sát từ LĐLĐ tỉnh, tại 3 công ty: CP Thủy sản Nam Hà Tĩnh, CP May Hà Tĩnh, CP Vinatex Hồng Lĩnh, tỷ lệ lao động nữ chiếm 81%, trong đó, tuổi đời từ 18-27 chiếm 85%; đa số các chị ở xa công ty, việc đi lại khó khăn; lao động nữ chưa lập gia đình có nguyện vọng ở lại khu tập thể, các chị nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mong muốn có nhà giữ trẻ trong công ty để tiện việc đi lại, đưa đón con, cho con bú và yên tâm lao động sản xuất. Cũng tại thời điểm khảo sát (cuối năm 2015), công nhân của 3 công ty nói trên có gần 390 cháu ở độ tuổi dưới 36 tháng, 33 chị đang mang thai.


Thực tế chưa đáp ứng

Nhu cầu lớn là thế nhưng hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ mới có một nhóm trẻ tư thục tại Công ty CP May Hà Tĩnh. Với diện tích khoảng 55 m2, các thiết bị, vật dụng phục vụ việc trông giữ trẻ chưa được trang bị đầy đủ nên số trẻ thường xuyên gửi ở đây cũng chỉ dao động từ 12 - 15 cháu. Để nhà trẻ hoạt động ổn định lâu dài, công ty đã tuyển dụng và ký hợp đồng lao động dài hạn với 1 cô nuôi được đào tạo đúng chuyên ngành, vận động các tổ chức ủng hộ trang thiết bị. Đó cũng đã là một sự nỗ lực của BCH công đoàn, lãnh đạo công ty trong điều kiện SXKD khó khăn như hiện nay.


Đối với Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, mặc dù đã bố trí quỹ đất để xây dựng nhà trẻ, nhưng do điều kiện khó khăn chưa thể tiến hành xây dựng. Vì vậy, phần lớn nữ CNLĐ sau thời gian nghỉ sinh đã chọn giải pháp ở nhà nuôi con thay vì trở lại làm việc; số ít thuê người giúp việc trông con nhưng cuộc sống khá chật vật bởi chi phí từ 2,5-3 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của họ chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu hụt lao động tại công ty khi mỗi năm phải tuyển dụng, đào tạo mới từ 20-30% lao động, ảnh hưởng đến quá trình SXKD và phát triển của doanh nghiệp.


Không có nhà trẻ trong các nhà máy gây bất tiện, tốn kém chi phí cho công nhân đã đành, doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, không thu hút được lao động nữ có tay nghề cao và giúp họ gắn bó lâu dài với công ty dẫn đến biến động lực lượng lao động thường xuyên, đặc biệt đối với các ngành nghề sử dụng nhiều lao động nữ như dệt may, chế biến thủy hải sản...

 

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: "Dựa trên nhu cầu thực tế, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất với tỉnh sớm có giải pháp thực hiện Quyết định 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 404 của Chính phủ) tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh".


Có thể thấy, việc xây dựng, nhân rộng mô hình nhà trẻ cho CNLĐ tại các công ty có đông lao động nữ là một nhu cầu thiết yếu, cần sớm được các cấp, ban, ngành quan tâm triển khai thực hiện.


Theo Baohatinh.vn