Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kiềm chế cơn giận dữ của trẻ


Dân gian có câu "cả giận mất khôn". Cáu giận tiềm ẩn trong tâm trí con người từ khi còn thơ bé. Nhiều phụ huynh đã bối rối khi bất ngờ phải tìm ra cách xử trí thích hợp vì đứa con bé bỏng bỗng bột phát lên cơn cáu giận bất thường.

Ở chiều ngược lại, không ít phụ huynh "nổi trận lôi đình" khi dạy dỗ con. Kiềm chế được cơn giận mới có thể mang lại hiệu quả giáo dục cũng như tiếp thu giáo dục tốt.


Trẻ bất ngờ "hỗn"

Bé Như Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội), học lớp 6, trở về nhà sau giờ học với tâm trạng bất thường so với mọi ngày. Bé "đá thúng đụng nia", mắng mỏ xa xả cậu em trai mới 5 tuổi chỉ vì để "lấn" đồ chơi sang bàn học của chị. Dịu giọng nhắc con gái không được, chướng mắt quá, chị Thanh, mẹ bé Mai, không thể kiềm chế và lớn tiếng quát con hư hỗn. Điều chị quá bất ngờ là bé Mai mặt mũi phừng phừng nổi nóng luôn với chị và nói những lời hỗn như với bạn bè bằng vai phải lứa.


Chờ con nguôi cơn giận, chị Thanh khẽ khàng dò hỏi nguyên nhân thì con gái mới chia sẻ rằng một số bạn xúm vào trêu chọc "sự thừa cân", điều mà bé Mai coi là sự xúc phạm nghiêm trọng. Biết được nguyên nhân, chị Thanh đã gỡ rối tâm lí cho con, ví dụ như cùng con lên kế hoạch tập luyện, chế độ ăn uống để cơ thể trở nên thon gọn; bé Mai sau khi chia sẻ được với mẹ cũng không còn cảm thấy quá nặng nề về những lời trêu chọc của bạn bè.


Theo Tiến sĩ tâm lí Vũ Thu Hương, để kìm chế cơn giận dữ của trẻ bằng những cách đơn giản như: Mời trẻ uống một cốc nước, sau đó yêu cầu trẻ viết lí do giận dữ đó ra giấy và xé tờ giấy đó đi. Cơn giận sẽ bay biến mất; Yêu cầu trẻ đóng đinh lên một tấm gỗ đặt ở 1 góc cố định. Sau khi đóng đinh xong, cơn giận của trẻ cũng sẽ biến mất; Nói chuyện hài hước với trẻ, đánh lạc hướng trẻ bằng các câu chuyện thú vị hoặc cho chúng ngồi im lặng trong một không gian riêng; Rủ trẻ đi bơi, đi tắm. Sau khi vui đùa với nước mát, cơn giận cũng sẽ biến mất...


Điều đặc biệt phụ huynh cần lưu ý là tránh tranh cãi khi trẻ tức giận.

Hầu hết các bậc cha mẹ cố gắng giải thích với đứa trẻ khi chúng tức giận. Điều này không có ích và chỉ dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ hơn từ đứa trẻ. Một cách tiếp cận tốt hơn để truyền đạt suy nghĩ và lập luận của bạn cho bé là sau khi trẻ đã bình tĩnh lại. Bé sẽ rộng mở hơn để lắng nghe bạn và cũng có nhiều khả năng hiểu những gì bạn đang nói hơn.


Không làm gương mờ

Chính cách cư xử giận dữ và nổi nóng của phụ huynh khiến cho con cái bắt chước theo. Nếu bạn bị mất kiểm soát khi tức giận và bắt đầu la hét hoặc quăng đồ, văng tục hoặc giận cá chém thớt, đánh người khác, thì con bạn cũng sẽ "sao y bản chính" trong cách hành xử của chúng khi có sự cố xảy ra.


Chị Hồng Anh (Công ty bất động sản) chia sẻ: "Thấy con gái cứ ngày càng tỏ ra giận dữ và hay hầm hè, đánh mắng em, ban đầu mình chỉ quát nạt, phạt con bé đẻ chặn cơn bất hòa của chúng lại. Sau nhiều lần, mình bình tĩnh tìm hiểu lý do thì nhận ra mọi sự đều bắt nguồn từ những điều oan ức mà con bé bị bà nội hoặc mẹ vô tình xả vào đầu nó. Việc bà nội thiên vị thằng em trai cũng khiến nó luôn cảm thấy hằn học và ghen tỵ... Vợ chồng mình phải xin tách ra ở riêng và bản thân mình phải nỗ lực học cách biết tự kiềm chế để không ảnh hưởng xấu đến con...".


Khi giận dữ, bố mẹ nên rời khỏi phòng và đi đến một không gian riêng. Bạn sẽ có được một khoảnh khắc yên tĩnh, để cơn giận qua đi giúp bạn kiềm chế những hành vi nóng giận không mong muốn hoặc dành ra năm phút để nghe một bài hát, bằng tai nghe hoặc chỉ cần lặp lại "con là món quà quý giá nhất của mình" nhiều lần.


Bố mẹ cần kiểm soát được thái độ của mình bằng cách kiềm chế cái tôi lại và hãy dừng những suy nghĩ tiêu cực như thất vọng, khó chịu. Nên tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát thay vì chỉ trích.


Điều quan trọng là dù đang trong cơn cáu giận thì vẫn phải tự điều khiển cảm xúc của mình. Sử dụng một giọng nói nhẹ nhàng mềm mại (giả vờ cười hạnh phúc) với con cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh.


Theo GD&TĐ