Ở độ tuổi từ 1 - 3 tuổi, ngoài việc chọn lựa thực phẩm đủ dinh dưỡng cho con, bố mẹ còn phải cân nhắc một vấn đề khác, đó là kỹ năng nhai và nuốt thức ăn của bé chưa đủ thành thạo.
1/ Thực phẩm không tốt cho sức khoẻ của trẻ
Ngoài những thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng có không ít thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Thế nên, mẹ cần hạn chế những thực phẩm "không lành mạnh" được liệt kê dưới đây trong thực đơn ăn uống hằng ngày của bé. Bao gồm:
- Nước ngọt có ga
- Nước ép trái cây đóng hộp
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Bánh snack, kẹo
- Các loại thạch
- Cá nhiều thủy ngân
- Gan động vật
- Trứng chưa nấu chín kỹ
2/ Thực phẩm không an toàn cho trẻ
Thực phẩm để miếng lớn
Thực phẩm để miếng lớn hơn hạt đậu có thể khiến bé bị mắc nghẹn ở họng. Để đảm bảo an toàn cho bé khi ăn uống, các loại rau củ quả như cà rốt, cần tây, đậu xanh nên được thái hạt lựu, nấu chín hoặc xắt nhỏ ra. Đồng thời, mẹ hãy cắt các loại trái cây như nho, cà chua bi, dưa thành từng lát nhỏ và xé thịt và phô mai thành những miếng vừa ăn.
Thực phẩm mềm, dễ dính gây nghẹn
Các bậc phụ huynh cũng nên tuyệt đối không cho bé ăn kẹo cao su hoặc các loại thức ăn mềm như kẹo dẻo, thạch vì chúng rất dễ mắc kẹt trong cổ họng.
Các loại kẹo dẻo nên để xa tầm với của trẻ, vì cả thành phần và kết cấu của chúng đều không an toàn với bé. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, hóc thạch là loại hóc dị vật nguy hiểm nhất vì rất dễ dẫn đến tử vong do nghẹt thở ở trẻ. Thạch vốn mềm, trơn nên khi trôi xuống đường thở rất dễ thay đổi hình dáng, bám chặt lấy đường thở nên có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Điều đáng nói là khi dùng dụng cụ để gắp, thạch cũng rất dễ vỡ vụn, những mảnh vụn này lại tiếp tục rơi sâu xuống đường thở, gây khó khăn cho việc cấp cứu.
Thạch không chỉ là thực phẩm không an toàn khi trẻ ăn vào vì dễ dẫn đến hóc, nghẹn mà còn hoàn toàn không tốt cho sức khoẻ của bé.
Ngoài ra mẹ cũng nên lưu ý đến những thực phẩm như bơ đậu phộng lớn hoặc loại bơ khó nuốt bởi nó thường quyện chặt rất khó để trẻ nhai nuốt, dễ dẫn đến nghẹn. Nếu muốn cho bé yêu nhà bạn ăn, mẹ nên trét 1 lớp bơ mỏng lên trên bánh mì hoặc bánh quy.
Thực phẩm nhỏ dạng thô, cứng
Bắp rang, kẹo cứng, kẹo ho, nho khô, rau củ quả sống, hoa quả sấy khô, các loại hạt nhỏ... là những thứ cha mẹ nên hạn chế cho bé ăn hoặc cần phải theo dõi trẻ trong quá trình ăn. Vì ngoài việc có thể làm tổn thương răng lợi của trẻ, nó còn có nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến nhiễm trùng thậm chí khiến trẻ nghẹt thở.
Một số loại thực phẩm không an toàn, gồm:
- Bánh hot dog (bạn nên cắt bánh hotdog ra làm 4 trước khi thái lát).
- Kẹo cứng, bao gồm cả kẹo thạch thô.
- Các loại đậu.
- Một miếng lớn bơ đậu phộng (Mẹ chỉ nên trét1 lớp mỏng bơ đậu phộng lên bánh mì hoặc bánh quy - nhưng tuyệt đối không cho trẻ ăn một miếng lớn bơ đậu phộng).
- Bắp rang.
- Cà rốt, cần tây, đậu xanh còn sống.
- Các loại hạt chẳng hạn như bí ngô đã qua chế biến hoặc hạt hướng dương.
- Nho, cà chua bi còn nguyên (Nên cắt chúng ra thành những miếng nhỏ).
- Những miếng thức ăn lớn như thịt, khoai tây, trái cây và rau củ quả chưa chín.
3/ Làm thế nào để giúp trẻ tuổi tập đi an toàn khi ăn, uống?
- Luôn có người giám sát khi cho bé ăn.
- Hãy bảo đảm bé vẫn đang thức và tỉnh táo trước khi cho ăn.
- Cho bé ngồi lên ghế khi ăn, tuyệt đối không có bé ăn khi bé đang đi bộ, đang chơi hoặc đang ngồi trong xe hơi, xe buýt hoặc xe đẩy,...
- Không nên cho bé ăn khi bé đang cười hoặc đang khóc, mẹ nên dỗ nín, đặt trẻ ngồi ngay ngắn vào ghế trước khi cho bé ăn.
- Hướng dẫn trẻ cách nhai kỹ thức ăn và ăn chậm rãi.
- Mẹ nên dạy bé không được ngậm thức ăn và có biện pháp khi trẻ ngậm.
Theo MB