Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô giáo mầm non quyết rời phố 'lên rừng' dạy học


'Với giáo viên mầm non những kiến thức học được trong nhà trường chỉ là hành trang ban đầu, quan trọng là kiến thức thực tế trong quá trình chăm sóc các bé và tình yêu nghề, mến trẻ như con đẻ của mình'.


Đó là chia sẻ của cô Cô Phạm Thị Nga - giáo viên Trường mầm non Chiềng Lao A (Mường La, Sơn La).

Dạy mầm non phải hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ
Cô Nga cho biết: Với đặc thù là vùng núi, phụ huynh đa số là đồng bào dân tộc thiểu số quanh năm làm bạn với núi rừng và nương, rẫy nên mọi người đi làm nương từ rất sớm, vì thế hàng ngày cô đến trường mở lớp đón trẻ từ 6 giờ sáng để phụ huynh yên tâm đi làm.


Cô luôn chăm chút cho các bé từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc vệ sinh cá nhân và sẵn sàng tắm rửa cho các cháu khi phụ huynh đi làm về muộn. Để thuận tiện cho công việc cô quyết định ở lại nhà công vụ của nhà trường.


Theo kinh nghiệm của cô Nga: Dạy mầm non cũng phải tìm hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ để chọn lựa những phương pháp giáo dục phù hợp với từng độ tuổi. Được trải nghiệm với các bé ở các độ tuổi từ 3 - 6 tuổi, cô Nga luôn nắm chắc đặc điểm cá tính của từng bé để động viên, khích lệ, khen ngợi trẻ kịp thời.


'Chẳng hạn như: với những bé còn nhút nhát, nên tăng cường cho các em tham gia hoạt động nhóm. Sau mỗi hoạt động học tập, có thể mời các em đứng lên phát biểu, hoặc hát, đọc thơ.


Đặc biệt, cần biết biểu dương và có những lời động viên kịp thời khi các em hoàn thành nhiệm vụ. VD: đề nghị cả lớp vỗ tay khen bạn hoặc có phần thưởng nho nhỏ cho các bạn ấy.


Dần dần, các em sẽ thấy tự tin hơn và chủ động tham gia các hoạt động học tập của lớp' - cô Nga chia sẻ và cho biết: Mặc dù, trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của một huyện nghèo nhưng cô Nga vẫn luôn cố gắng tìm tòi và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy để các em hứng thú trong học tập.


Cô Nga luôn ân cần, hướng dẫn tỉ mỉ cho các em


Tình nguyện 'lên rừng' dạy học

Qua tìm hiểu được biết, cô Phạm Thị Nga sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn ở thị trấn Ít Ong (Mường La, Sơn La).


Năm 2008, cô thi đỗ vào Khoa Tiểu học Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc. Trong suốt quá trình học tập cô luôn là sinh viên xuất sắc và được kết nạp vào Đảng khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.


Năm 2012, cô tốt nghiệp loại giỏi với thành tích học tập xuất sắc, sau đó cô được tuyển vào làm giáo viên và tình nguyện 'lên rừng' để dạy học. Tâm nguyện của cô là: Mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cho giáo dục mầm non vùng khó. Hiện cô là giáo viên dạy giỏi của Trường mầm non Chiềng Lao A - ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.


Do học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên trong quá trình giảng dạy, cô vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.


Với tinh thần cầu thị, chịu khó học hỏi và nhiệt tình trong công việc, yêu thương trẻ như con đẻ của mình, lớp mẫu giáo của cô Nga được Ban giám hiệu nhà trường chọn làm lớp điểm về giáo dục 'Lấy trẻ làm trung tâm'.


'Được nhà trường tin tưởng tôi thấy rất vui và cảm thấy vinh dự, tự hào. Song tôi cũng tự xác định trách nhiệm của mình sẽ ngày càng nặng nề hơn để xứng đáng với niềm tin, yêu của các bác phụ huynh và lãnh đạo nhà trường' - cô Nga bộc bạch.


Được biết, hiện nay, cô là tổ trưởng tổ chuyên môn của điểm trường trung tâm và là Thư ký Hội đồng nhà trường. Dù ở cương vị nào, cô giáo Nga cũng luôn nhiệt tình trong công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và đã đạt giải nhất trong hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp huyện năm học 2015 - 2016;


Cũng trong năm học này, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được UBND huyện tặng Giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong việc xây dựng Trường mầm non Chiềng Lao A đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.


Theo Gdtd.vn