Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con nói lời xin lỗi


Nhiều cha mẹ, vì yêu thương chiều chuộng con nên hay dễ bỏ qua những lỗi của mình. Khi con mắc lỗi, chúng ta thường hay bỏ qua dễ dàng. Vì thế, lời xin lỗi với nhiều em dường như trở nên xa lạ...

Hiện nay, ở trong trường hay ngoài xã hội, một số em không biết nói lời xin lỗi khi mình gây ra một lỗi lầm hay gây ra một sự việc đáng tiếc nào đó. Không phải vơ đũa cả nắm, nhưng hiện nay, những đứa trẻ không biết hoặc rất khó khăn để nói lời xin lỗi, tức những đứa trẻ vô cảm, không biết hối lỗi, dường như có số lượng tăng dần.


Phụ huynh chúng ta nên nhớ rằng, lời nói xin lỗi rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của các em. Ở đây không phải là câu chuyện câu chữ. Quan trọng hơn việc giao tiếp, lời xin lỗi giúp các em ý thức hơn về lầm lỗi của mình, dằn vặt về nó, biết hối lỗi và có thái độ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm. Nói lời xin lỗi thật sự khó, cho nên khi tự nguyện nói ra điều này, các em sẽ trưởng thành hơn rất nhiều.


Hiện nay, theo dõi trên báo chí, ta vẫn hay nghe những vụ việc trẻ em lạnh lùng, tàn nhẫn, dám làm những việc động trời như đánh hội đồng bạn bè, vô lễ với thầy cô, trộm cắp... Những điều này phần lớn bắt nguồn từ sự vô cảm, không ý thức về tội lỗi, không sợ phạm lỗi, đều hình thành từ những lần được bỏ qua lỗi lầm một cách dễ dãi khi các em còn nhỏ.


Cha mẹ nên dạy con nói lời xin lỗi khi con thật sự phạm lỗi. Dĩ nhiên, không nên quá nghiêm khắc với con. Nhưng cha mẹ cũng không nên dễ dàng bỏ qua lỗi của con mà không phân tích cho con thấy tác hại của nó. Cần giúp cho con hiểu rằng, nói lời xin lỗi không làm mất sĩ diện (như nhiều em vẫn nghĩ). Ngược lại, lời xin lỗi chân thành làm người ta lịch sự, chín chắn hơn.


Trẻ con phạm lỗi là chuyện đương nhiên. Qua những lần phạm lỗi như thế con chúng ta sẽ trưởng thành hơn. Hãy dạy con biết nói lời xin lỗi khi con biết lỗi. Tin rằng, qua mỗi lời xin lỗi chân thành, con chúng ta sẽ ít phạm lỗi hơn.


Theo GD&TĐ