Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tăng hơn 10.000 giáo viên mầm non so với cuối năm học 2015 - 2016


Đây là thông tin trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ I và nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2016 - 2017 về giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 - 2017 mới diễn ra ở Hà Nội.

Giáo viên mầm non tăng cả về số và chất lượng
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong học kỳ I năm học 2016 - 2017, đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng, chất lượng từng bước được nâng cao thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng dưới nhiều hình thức.


Ngay từ đầu năm học, các địa phương đã quan tâm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Số lượng và chất lượng đội ngũ được nâng lên. Toàn ngành hiện có có 328.776 giáo viên, tăng 10.443 người so với cuối năm học 2015 - 2016.


Cũng trong học kỳ I năm học 2016 - 2017, giáo dục mầm non đã có một số kết quả nổi bật, như: Trình Chính phủ dự thảo Nghị định ban hành một số chính sách đối với giáo dục mầm non; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016 - 2025; ban hành Thông tư số 28/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình giáo dục mầm non...


Đặc biệt, tính đến thời điểm tháng 1/2017, cả nước có 11.062/11.159 đơn vị cấp xã (99,1%), 712/712 đơn vị cấp huyện (100%), 60/63 tỉnh (95,2%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Có 3 tỉnh là Sóc Trăng, Ninh Thuận và Tây Ninh đã nộp hồ sơ về Bộ, hiện đang trong quá trình thẩm định.


Công tác đầu tư phát triển trường lớp mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng ở tất cả các độ tuổi so với đầu năm học. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên. Chương trình giáo dục mầm non được thực hiện tại 100% trường mầm non; Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ ngày, tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tăng...


Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới trường lớp, quy mô phát triển giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế bất cập: một số khu đô thị, khu công nghiệp vẫn thiếu trường lớp, chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động. Vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.


Giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Một số tỉnh có có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ thấp. Còn nhiều phòng học tạm, nhờ, nhiều nơi thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt là các điểm lẻ, tỷ lệ nhóm/lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi mới đạt 77,6%.


Nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2016 - 2017

Về nhiệm vụ trọng tâm với giáo dục mầm non trong học kỳ II năm học 2016 - 2017, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị định của Chính phủ ban hành một số chính sách đối với giáo dục mầm non; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016 - 2025; Thông tư số 28/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình giáo dục mầm non; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1008/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2016 - 2017 theo Công văn số 4358/BGDĐT-GDMN của Bộ GD&ĐT, cụ thể:


Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và của Bộ.


Tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển mạng lưới trường lớp, đẩy mạnh giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho vùng khó; đẩy mạnh xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.


Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm". Nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ.


Hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn, tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, quan tâm giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập. Tăng cường các nguồn lực để duy trì và nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.


Mạng lưới trường lớp mầm non phát triển mạnh. Cả nước hiện có 14.860 trường mầm non (tăng 223 trường) với 187.084 nhóm, lớp (tăng 6.882 nhóm, lớp). Địa phương có số trường mầm non tăng nhiều là: TP. Hồ Chí Minh (65), Hà Nội (28), Quảng Nam (21), Bình Dương (12), Long An (11).


Trường ngoài công lập phát triển mạnh: công lập 12.522 trường, tỷ lệ 84,3% (tăng 10 trường), ngoài công lập 2.338 trường, tỷ lệ 15,7% (tăng 213 trường).


Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 1,9% (tăng 7.380 phòng học kiên cố); số trường học có công trình bếp, công trình nước sạch, vệ sinh tăng: có 13.516 trường có bếp ăn bán trú, đạt 92,3% (tăng 1,4%), 2.682 bếp được xây mới, cải tạo, sửa chữa, trong đó, có 12.161 trường có bếp hợp vệ sinh đúng quy cách, tỉ lệ 90%. Tất cả các trường mầm non đều có nhà vệ sinh, trong đó, 96,1% nhà vệ sinh đạt yêu cầu (tăng 4,7%).


Theo GD&TĐ