Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách làm hay cần nhân rộng


Hiện nay trong các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học thường xuyên tổ chức các hoạt động làm đồ chơi, đồ trang trí, đồ dùng dạy học từ các sản phẩm phế liệu.

Qua bàn tay khéo léo của các cô giáo những đồ vật tưởng chừng bỏ đi như chai nhựa, giấy vụn, thùng carton, hộp sữa... đã trở thành những sản phẩm có ích, đẹp mắt.


Không chỉ các cô giáo mầm non mà các bạn trẻ cũng bắt đầu có xu hướng làm đồ trang trí cho các cửa hàng, quán cà phê... bằng các sản phẩm phế thải tạo ra những phong cách hết sức độc đáo.


Nhằm phục vụ các khách hàng thích thú với cách chế tác từ những phế phẩm, hiện trên thị trường có bán các phụ kiện trang trí để người làm thiết kế nhiều sản phẩm hữu dụng.


Trong đó có một số loại màu chuyên dùng cho kính, thủy tinh; nơ ruy băng, dây thừng, đăng ten, keo dán, bột màu, đá cảnh... Giá cả của những phụ kiện này cũng không quá đắt, dao động từ 1.000 - 6.000 đồng/sản phẩm.


Các nhóm bạn trẻ hoặc các công ty kết hợp việc sưu tầm hoặc mua những phế liệu, qua nhiều công đoạn chế tác, những vật dụng hữu ích tạo ra từ phế phẩm được trang trí, trưng bày trong những không gian sống khác nhau theo nhiều phong cách, phù hợp với nội thất của từng gia đình, nhà hàng, quán xá...


Đây là cách làm không chỉ giúp các gia đình giải quyết được phế phẩm hàng ngày mà còn tạo thêm thu nhập cho nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.


Ngoài việc làm vật dụng để bán, nếu khách hàng có nhu cầu thiết kế, trang trí không gian bằng những sản phẩm loại này, các bạn trẻ hay công ty sẽ đến tận nơi để thực hiện; giá sản phẩm, công làm cũng sẽ thấp hơn so với khi khách mua sản phẩm bán trên thị trường.


Việc đẩy mạnh dùng vật liệu phế thải để làm các sản phẩm hữu ích ngoài việc mang lại thu nhập thêm cho người dân, tô điểm những nét đẹp cho cuộc sống thì còn góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường sống.


Chính vì vậy, mong rằng trong thời gian sắp đến, các mô hình hoạt động làm các sản phẩm này tiếp tục được nhân rộng đồng thời sẽ có nhiều lớp học, tập huấn để nhiều người tiếp cận được các phương pháp làm những sản phẩm đồ chơi, đồ trang trí từ những phế phẩm tưởng chừng như chỉ bỏ đi.


Theo GD&TĐ