Nhiều người thường tặng vòng bạc cho trẻ nhỏ, với hy vọng giúp bé đáng yêu hơn và tránh được bệnh tật. Tuy nhiên, thực tế không phải như ta vẫn nghĩ.
Bạc thường được cho là loại kim loại lành tính, nhiều công hiệu nên không chỉ dùng làm trang sức mà còn được nhiều người dùng để tránh gió, chống cảm, thậm chí trừ tà ma. Lắc bạc, do vậy, là món quà thường thấy dành tặng cho những đứa trẻ. Tuy nhiên, trong khi thật sự những tác dụng này chưa được chứng minh thì nguy cơ tiềm ẩn lại khá rõ ràng...
Đầu tiên, tuy gọi là vòng bạc nhưng không phải tất cả vòng đang được mua bán và sử dụng đều được làm từ bạc nguyên chất, để giảm giá thành, rất nhiều chiếc vòng bán ra bị pha tạp chất - với nhiều thành phần kim loại khác như chì, cadmi, crom, niken, đồng, kẽm... Trong đó, ai cũng hiểu chì là chất rất độc; cadmi thậm chí còn độc hơn nhiều, được biết đến với biệt danh "chất sinh ung thư", gây bệnh thận, xương và gan. Làn da trẻ sơ sinh đặc biệt non nớt và nhạy cảm, nếu tiếp xúc lâu dài với những chất này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bị tổn hại, "nhẹ" thì viêm da, phồng rộp, mụn đỏ... nặng hơn là những bệnh nguy hiểm như đã nhắc đến ở trên, đặc biệt đối với những em bé có sở thích gặm, mút, hoặc đang trong giai đoạn khám phá bằng cách cho các thứ vào miệng.
Không chỉ thế, cũng với sở thích này, nếu cho bé đeo những chiếc vòng cầu kỳ, có thêm những chi tiết trang trí bằng dây hay chuông... còn có thể dẫn đến nguy cơ bé bị hóc, nghẹn, nguy hiểm đến tính mạng.
Thậm chí, kể cả khi vòng được chọn thật sự từ bạc nguyên chất cũng có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tổn thương như:
Trầy xước - nếu bé hiếu động, hay quơ tay chân, chiếc vòng có thể gây tổn thương các vùng da trên cơ thể bé như tay, bụng, mặt, mắt... Bản thân chiếc vòng tiện không khéo cũng dễ cứa vào da bé.
Ảnh hưởng lưu thông máu - nếu chiếc vòng quá nhỏ sẽ thít vào tay, chân bé, ngoài ra cũng có nguy cơ vòng bị mắc vào đâu đó và hằn mạnh vào tay/chân, cũng là điều hoàn toàn không tốt.
Thực tế, theo PGS-TS Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội), từ thời cổ đại, bạc và ion bạc đã được cho là có khả năng khử độc, nấm, vi khuẩn, virus... vua chúa ngày xưa còn dùng đũa bạc để thử độc món ăn. Tuy nhiên, thực tế, những công dụng này không được ủng hộ nhiều từ quan điểm khoa học hiện đại. Thậm chí cả với quan niệm lắc bạc đen là bởi hút độc tố trong người, chuyên gia cũng giải thích đây chỉ là hiện tượng bạc hấp thụ một số chất và tạo thành muối, và muối này có gây độc hay không thì cũng vẫn là điều không rõ ràng, thậm chí có chuyên gia cho rằng những muối này có thể gây hỏng da, hít vào cơ thể ở nồng độ cao có thể dẫn đến tổn thương phổi.
(Ảnh: Internet)
Vậy nên, thay vì trông chờ vào vòng bạc, để tránh gió, phòng cảm cho con, tốt nhất bạn nên:
- Tránh đưa bé đến những nơi gió lùa, tuy nhiên cũng đừng giữ bé trong môi trường kín bưng, không thông thoáng, thiếu ánh sáng;
- Cho bé mặc quần áo phù hợp với thời tiết, đủ ấm, đi tất, đội mũ nếu cần;
- Vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, thay tã ngay cho con khi bé tiêu, tiểu, tránh để bé phải quấn tã bẩn và ướt;
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ khoa học để đảm bảo sức khỏe và tăng sức đề kháng cho con.
Trong trường hợp vẫn muốn sử dụng vòng bạc, bạn nên:
- Lựa chọn kỹ càng, vòng phải có kích thước vừa với bé;
- Dùng tay cảm nhận và kiểm tra kỹ để bảo đảm không có dằm kim loại hay cạnh sắc;
- Tìm hiểu phương pháp phân biệt bạc giả và thật, chẳng hạn dùng nam châm, vì bạc nguyên chất sẽ không tạo lực hút với nam châm.
- Tuy bạc nguyên chất nhìn chung không gây dị ứng nhưng có thể vẫn có những ngoại lệ, nếu thấy da con bị mẩn đỏ thì cần tháo lắc ra ngay.
Theo Trí Thức Trẻ