Những bếp ăn ở nhóm trẻ gia đình là nơi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao khi chất lượng, nguồn gốc thực phẩm chế biến tại đây chưa được kiểm soát gắt gao.
Mua thực phẩm chợ, không rõ nguồn gốc
Nếu như ở các bếp ăn trường mầm non, tiểu học phải đáp ứng các tiêu chí như: bếp một chiều, lưu mẫu thực phẩm... thì bếp ăn nhóm trẻ gia đình rất khó đáp ứng vì không đủ cơ sở vật chất, nhân lực.
Theo tìm hiểu, tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), nơi tập trung các khu công nghiệp đông công nhân sinh sống thì các nhóm trẻ tư thục phát triển rầm rộ. Hầu hết, các cơ sở nơi đây có diện tích rất nhỏ hẹp, nhận giữ khoảng 7-10 trẻ/lớp.
Tại nhóm trẻ T.L (gần Khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu) nhận giữ 8 cháu. Nguồn thực phẩm mà cơ sở này dùng để chế biến bữa ăn cho các trẻ được mua từ khu chợ gần đó.
Vào mỗi buổi sáng, chủ cơ sở T.L xách làn ra chợ mua các loại rau quả, thịt heo, thịt gà... mang về nấu nướng tại bếp ăn của gia đình. Số thực phẩm này bán tràn lan ngoài chợ nên cũng không có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tương tự, tại cơ sở giữ trẻ B.N (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cũng thu mua thực phẩm chủ yếu từ chợ về nấu cho 7 trẻ cùng ăn.
"Ở đây, các trường mầm non công lập, tư thục đã chật kín nên nhiều công nhân như tôi phải gửi con ở các điểm giữ trẻ tư nhân như B.N. Họ giữ con mình rồi nấu ăn chung với cả nhà nên tôi cũng lo lắm. Nhưng lương bổng ít ỏi, biết làm sao được" chị Nhung, một công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh thở dài.
Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, nhóm trẻ gia đình do phường quản lý và cấp phép. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì thấy có nhiều điểm bất ổn.
"Các cơ sở này không có hợp đồng với các công ty cung ứng thực phẩm mà chủ yếu mua từ các chợ, không có địa chỉ nhà cung cấp cụ thể. Nhiều sản phẩm còn không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng" ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, vừa qua, Phòng giáo dục đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại các nhóm trẻ này, cái nào không đảm bảo thì kiên quyết đình chỉ.
"Phòng giáo dục có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động của các nhóm, lớp độc lập tư thục. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, ngăn chặn tình trạng ngược đãi, gây mất an toàn tính mạng trẻ" ông Sơn cho biết.
Phòng cũng thường xuyên kiểm tra khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn cho các chủ nhóm giữ trẻ cải tạo, sắp xếp vận hành bếp ăn theo quy trình bếp ăn một chiều, xây dựng thực đơn hợp lý.
"Chúng tôi cũng yêu cầu chủ cơ sở phải có hợp đồng thực phẩm với cá nhân hoặc công ty có uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm. Không chế biến hoặc cho trẻ ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, địa chỉ không tin cậy" ông Sơn thông tin thêm.
Nhà bếp kế bên nhà vệ sinh
Qua đợt rà soát, Phòng giáo dục quận Thanh Khê đã phát hiện 8 nhóm trẻ hoạt động "chui", chưa có giấy phép thành lập, không đủ điều kiện đảm bảo hoạt động.
"Khi kiểm tra thì cả 8 bếp ăn của các nhóm trẻ đều không đáp ứng yêu cầu. Nhiều bếp ăn diện tích rất nhỏ, không đảm bảo vệ sinh để chế biến, nấu nướng đồ ăn" ông Sơn nói.
Các bếp ăn ở trường mầm non công lập đảm bảo vệ sinh tốt hơn so với các điểm giữ trẻ tư nhân. (Trong ảnh: khâu chế biến thực phẩm tại một trường mầm non).
Trong đó, có nhóm trẻ Tia Sáng do bà Đỗ Thị Bích V. (trú đường Lê Duẫn) làm chủ. Bà V. đã thuê một căn nhà hai tầng làm phòng học cho trẻ. Nhưng phòng học trên lầu không có công trình vệ sinh. Một phòng học ở tầng dưới cửa đi vào phòng vệ sinh phải đi ngang qua bếp, không đảm bảo an toàn cho trẻ, mất vệ sinh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Đà Nẵng cho biết, việc quản lý vệ VSATTP tại những bếp ăn của các nhóm trẻ tư thục rất khó khăn, gặp nhiều vướng mắc.
"Một nhóm trẻ có 5-6 cháu nên đồ ăn cho trẻ đều mua từ ngoài chợ chứ không phải ở các cơ sở có uy tin như các trường mầm non hay tiểu học. Do đó, không xác định được nguồn gốc, chất lượng của thực phẩm".
Ông Tiến thừa nhận đây cũng là vấn đề mà cơ quan chức năng cũng đang gặp vướng. "Khi có vấn đề về ngộ độc thực phẩm tại những bếp ăn này thì chúng tôi cũng khó mà truy rõ nguồn gốc thực phẩm như mua ở đâu?, mua của ai? để có phương án xử lý" ông Tiến nói.
"Hầu hết nhóm trẻ tư nhân thường dùng bếp ăn gia đình để chế biến thức ăn cho trẻ. Việc sử dụng bếp gia đình là không đảm bảo theo quy trình như: nơi chế biến mất vệ sinh, thức ăn sống - chín để lẫn lộn..." ông Tiến nói.
Theo Báo Giáo Dục