Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao ở trường con nghe lời cô răm rắp nhưng về nhà thì chả coi lời bố mẹ ra gì?


Thực ra, điều này không quá khó giải thích. Nó cũng tương tự như việc bạn đi làm tuyệt đối nghe lời sếp nhưng về nhà thì chưa chắc nghe theo lời của người bạn đời.


Có con đến tuổi đi học, từ nhà trẻ, mẫu giáo cho đến cấp 1 chắc chắn bố mẹ nào cũng từng đau đầu về vấn đề này. Đưa con đến trường, hay giờ tan học, trao đổi với cô giáo, mẹ nào cũng thở than: "Ở trường cháu ngoan không cô? Nghe lời không cô?", "Dạ cháu vâng lời lắm mẹ ơi", Sao ở nhà tôi nói mãi nó chẳng nghe, cứ thế mà quậy phá thôi". Đó là đoạn đối thoại quen thuộc của bất kì bố mẹ nào có con đi học.


Thực ra, điều này không quá khó giải thích. Nó cũng tương tự như việc bạn đi làm tuyệt đối nghe lời sếp nhưng về nhà thì chưa chắc nghe theo lời của người bạn đời. Nói như thế để mẹ hiểu rằng, bởi vì nhà là tổ ấm, là nơi con cảm nhận được tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ và con trẻ cũng hiểu được rằng đó là nơi chúng hoàn toàn an toàn để tự do, để là chính mình. Ở trường, cô cũng thương yêu, chăm sóc, quan tâm nhưng lúc nào cũng phải có kỷ luật, khuôn phép. Còn ở với mẹ? Trẻ hiểu được tình yêu vô bờ bến của mẹ sẽ chấp nhận bất kì "yêu sách" hay trò quậy nào đó của chúng. Dù không nghe lời thì mẹ chỉ la vài lời là xong. Và dù cho có la mắng thì chẳng bao giờ sợ mẹ hết thương. Đừng nghĩ rằng trẻ con không biết nhé. Chúng đọc được hết suy nghĩ của bạn đó.


Nhưng về nhà thì nghe lời là chuyện xa vời (Ảnh: Internet)


Bạn bị thuyết phục bởi lời giải thích này chứ? Nếu vẫn chưa, hãy tiếp tục tự hỏi chính bản thân mình những điều sau, bởi đó cũng ảnh hưởng đến việc trẻ không nghe bạn.


Bạn có làm gương cho con hay không?

Bạn luôn đưa ra quy định, con phải thế này, con phải thế kia nhưng bạn có thực hiện điều đó hay không? Có nghiêm khắc với những điều luật này không? Ví dụ nhé: bạn dạy con đi học về phải cởi giày và đặt lên kệ, nhưng chính bạn hay ông xã lại không làm theo quy định đã đặt ra, cứ để bừa đấy dọn sau. Hiển nhiên rằng, trẻ sẽ nghĩ "bố mẹ không làm, sao mình phải làm". Nếu bạn không tin, có thể hỏi lí do vì sao con không nghe theo lời bạn, bạn sẽ nhận được câu trả lời: "Con thấy bố mẹ vẫn như thế mà". Hãy nhớ, bạn là tấm gương để con nhìn vào và hình thành tính cách, kỷ luật đấy nhé.


Bạn có lắng nghe con hay không?

Có qua có lại! Gia đình cũng là một mô hình xã hội thu nhỏ và cũng phải có sự công bằng. Bạn yêu cầu con phải nghe lời mình nhưng chính bạn lại không chịu lắng nghe con. Như thế thì dần dà, con sẽ cảm thấy ức chế, dẫn đến việc không nghe lời như một sự phản kháng, đồng thời, cũng là hành động bắt chước.


Bạn có động viên con đúng cách hay không?

Thói quen so sánh, chê bai con mình, khen con người khác thường thấy của bố mẹ Việt sẽ dẫn đến sự tự ti của trẻ. Chúng sẽ cho rằng mình yếu kém, càng thêm phần tủi thân. Trong khi đó, tại trường, cô giáo khen chê rõ ràng, không so sánh con với bạn khác. Do đó, việc con răm rắp nghe theo là điều dễ hiểu.


Bạn nói với con vào thời điểm nào?

Thời điểm bạn truyền đạt thông tin, quy định với con cũng rất quan trọng. Nếu bạn nói trong lúc con đùa giỡn thì hẳn nhiên là trẻ chẳng thể nào tập trung nghe. Còn ở lớp, cô giáo tạo được sự tập trung cho con và khi đó, con sẽ tiếp thu nhanh chóng hơn.


Bạn có nhất quán trong cách dạy con hay không?

Này nhé, bạn đặt ra quy định và hình phạt nhưng không làm đúng, vẫn "lỏng tay", cho qua khi con không làm theo. Từ đó hình thành trong trẻ suy nghĩ "không làm cũng không sao". Còn tại trường, tại lớp, cô giáo đưa mệnh lệnh rõ ràng và hình phạt nếu không nghe theo cũng được thực hiện. Đó là sự nhất quán.


Theo Trí Thức Trẻ