Nếu mẹ đã từng trải qua cảm giác đôi tay mỏi như muốn rời khỏi cơ thể sau mỗi lần dỗ bé nín khỏi cơn mít ướt dai dẳng, chắc hẳn một cách dỗ trẻ sơ sinh khóc hiệu quả là điều mẹ đang mong muốn nhất vào lúc này. 5 bí quyết dưới đây có thể là cứu tinh của mẹ đấy!
1/ Thử tìm nguyên nhân khiến bé khóc
Dù bé yêu của bạn thuộc nhóm khóc cực nhiều hay cực ít, những nguyên nhân cơ bản nhất khiến trẻ sơ sinh khóc vẫn thường thuộc vào các nhóm sau: đói, mệt, buồn ngủ, khó chịu, cần được thay tã, đầy bụng. Trước tiên, mẹ có thể tập nghe và phân biệt tiếng khóc của con. Với mỗi vấn đề bé gặp phải, bé sẽ có kiểu khóc khác nhau. Tiếp đến, khi đã dần đưa được bé vào một trật tự sinh hoạt cố định, chẳng hạn như áp dụng trật tự EASY (ăn - eat; vận động - activities; ngủ - sleep; thời gian cho mẹ - your time), mẹ sẽ biết rất rõ rằng bé có đang đói bụng hay không, bé có đang buồn ngủ hay không. Nhờ đó, mẹ chỉ cần đáp ứng nhu cầu cơ bản của bé là đủ. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản của mọi cách dỗ trẻ sơ sinh khóc. Nhưng để làm được những điều này, mẹ sẽ cần rất nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc, để ý và ghi nhớ thói quen của con.
2/ Áp dụng 5 "chiến lược" dỗ dành trẻ
Có thể mẹ đã được nghe hay đã từng áp dụng một trong những cách dỗ trẻ sơ sinh khóc cực kỳ hiệu quả sau đây, nhưng chưa hệ thống chúng lại thành một chuỗi các hành động có thể nghĩ ngay đến khi muốn dỗ con nín khóc. Đó là:
Quấn khăn cho bé: Đây là một cách hiệu quả để làm bé thấy thoải mái, an toàn. Nhờ đó, bé sẽ không còn cảm giác bất an và thôi khóc.
Cho bé nằm nghiêng hoặc nằm úp bụng xuống: Việc thay đổi tư thế nằm sẽ tốt cho trường hợp bé cưng đang bị nghẹt mũi hoặc bị đầy bụng.
Ra hiệu cho bé im lặng: Việc mẹ phát âm tiếng "suỵt" như khi ra hiệu cho các bé lớn hoặc người trưởng thành khác im lặng cũng cực kỳ hiêu quả với trẻ sơ sinh.
Đung đưa bé nhẹ nhàng: Bác sỹ Robert Hamilton, một vị bác sỹ nổi danh trên toàn thế giới với cách dỗ trẻ sơ sinh nín khóc vô cùng độc đáo có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất để bạn hiểu được sự "thần kỳ" của việc đung đưa trẻ đúng cách.
Cho bé bú hoặc mút núm vú cao su: Việc đáp ứng phản xạ mút là một trong những cách tốt để giúp bé thôi khóc. Tất cả các trẻ sơ sinh đều có nhu cầu được bú mẹ hoặc mút thứ gì đó. Đó là lý do vì sao bé hay mút tay, mút chân hay thích mút núm vú giả.
Điều quan trọng khi áp dụng các bước trên là hãy nhờ thêm sự trợ giúp của các thành viên khác trong gia đình, để bất cứ thành viên nào cũng có thể giúp bé nín khóc và mẹ sẽ có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
Có rất nhiều cách dỗ trẻ sơ sinh khóc và mẹ cần hệ thống những cách nào hiệu quả nhất để áp dụng cho bé cưng của mình
3/ Nói chuyện mặt đối mặt với bé
Nếu bé đang quấy khóc dù đã được ăn, được thay tã và đang nằm chơi trên tấm thảm yêu thích của mình, đã đến lúc để bạn dành cho con khoảng thời gian trò chuyện ấm áp rồi đấy. Lúc này, bé cần nhất là được thấy gương mặt và nụ cười của mẹ. Hãy hát cho bé nghe, trò chuyện với bé, bắt chước những âm thanh của bé và làm cho khoảng thời gian này tràn ngập sự vui vẻ đối với cả hai mẹ con.
Nếu bé nhà bạn đã lớn một chút, có thể cùng con chơi những trò như ú òa hay vỗ tay. Bé rất thích sự bất ngờ và vui nhộn của những trò chơi này đấy!
4/ Thay đổi khung cảnh xung quanh
Mẹ biết không, đôi khi chỉ cần chuyển hướng sự chú ý của bé cũng đủ để bé phấn chấn lên và không còn khóc nữa. Cách dỗ trẻ sơ sinh khóc này hiệu quả nhất đối với những bé đã ngoài 3 tháng, khi bé bắt đầu chú ý mạnh mẽ đến những thứ xung quanh mình. Mẹ có thể bế bé ra khỏi phòng, đẩy xe đưa bé đi dạo đây đó một lúc. Những điều thú vị, lạ lùng trên đường đi sẽ thu hút hoàn toàn sự chú ý của bé và bé sẽ vui vẻ hẳn lên.
5/ Kiểm tra xem bé có bị đau hay không
Nếu cục cưng khóc dữ dội từng cơn và vào một thời gian cố định nào đó trong ngày, hãy xem bé có bị hội chứng đau quặn bụng (Colic) hay không. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể khóc vì bị đầy hơi, đau tai, đau vì hăm tã hay rất nhiều lý do khác. Các bé cũng hay khóc đêm vì chưa phân biệt được đâu là ngày, đâu là đêm và thường thức đêm, ngủ ngày.
Nếu mẹ xem tiếng khóc của bé như một loại ngôn ngữ đặc biệt, chỉ là cách để bé giao tiếp với mẹ và thế giới xung quanh thì sẽ không bị áp lực tâm lý khi phải xử lý những lần khóc lóc của bé.
Theo Marrybaby