Để biện hộ cho việc con cái ngày nay chểnh mảng học hành, học sút kém thậm tệ với môn Văn trong nhà trường, nhiều phụ huynh thường lấy cớ quá bận mải việc cơ quan.
Nhiều bố mẹ cứ nghĩ mua sách tham khảo, báo học trò chất đầy trên giá sách của con là nghĩ mình đã đầu tư hết mức cho con cái.
Họ thường chung suy nghĩ giờ các con mình quá sung sướng, bài nào khó đã có sách giải từ Toán đến Tiếng Việt - con đi học thêm tối ngày từ ở trường tới nhà riêng của cô giáo.
Vậy cớ gì môn Văn các em học kém thảm hại, nếu bài thi chệch tủ là vô số học sinh ngậm bút, lĩnh điểm liệt trong nỗi uất ức khó tả của bố mẹ?
Thời chúng tôi được đi học, mượn được thầy cô quyển sách văn tham khảo mới thật quý giá, đọc không sót trang nào. Báo chí khan hiếm, chỉ những bạn nhà khá giả mới có tiền mua báo. Chúng tôi chuyền tay nhau quyển báo cũ, đọc say mê và thích thú với những bài thơ, truyện ngắn, cùng nhau bình phẩm, học hỏi cách dùng từ của tác giả.
Nhưng không thể lấy cách học ngày xưa ra áp dụng cho con cái bây giờ.
Mạng xã hội, điện thoại thông minh, hàng nghìn trò game hấp dẫn như có ma lực thôi miên các em. Ngay bản thân tôi cũng có những tháng ngày ăn ngủ cùng mạng xã hội, không lên mạng là bứt rứt khó chịu.
Việc cơ quan chưa cần kíp để đấy đã, việc cơm nước cho con chậm cả giờ không sao hết, quan trọng là đọc hết "sờ ta tút" này đã, phải like, phải "còm" rồi đợi chờ thiên hạ ca ngợi mới sung sướng tạm tắt máy.
Mẹ nghiện mạng xã hội, bố ôm điện thoại cày game tối ngày, con cũng suốt ngày dán mắt vào ti vi xem hoạt hình quên cả giờ học bài.
Con hỏi "mẹ ơi, viết đoạn văn này ra sao, tả cái cây thế nào" - tôi thao thao một hồi rồi bảo "con viết đi". Con trai vò đầu gãi tai, mẹ đọc chậm từng câu bảo con chép vào vở cốt cho xong việc. Con học nhanh chóng, qua quýt nên thường xuyên lĩnh điểm kém và lời phê bình thẳng thắn từ cô chủ nhiệm.
Lên cơ quan kể chuyện, mọi người cười phá lên trêu tôi "tưởng mẹ chém gió giỏi thế, con phải giỏi văn chứ". Bừng tỉnh khỏi cơn sốt ảo từ mạng xã hội, tôi kiên quyết cai nghiện dần và tập trung thời gian dạy con học văn.
Những tờ báo Nhi đồng mẹ mua, con trai xếp dày trên giá sách, quyển nào cũng mới tinh vì con đâu chịu đọc.
Mẹ ngồi xuống cùng con, đọc cho con nghe câu chuyện, bài thơ rồi giải thích cặn kẽ vì sao mùi hoa cau thơm ngát, chỉ cho con xem bông đào khi nở đỏ thắm rực rỡ, con chim hót vườn nhà lích chích hay líu lo, con chào mào, con chim sâu tinh nghịch chuyền cành ra sao.
Mẹ dạy con cách quan sát con chó, con mèo lúc chúng nghịch ngợm. Mẹ cùng con trò chuyện nhiều hơn, mẹ đọc và hỏi, con trả lời ban đầu thật ngây ngô nhưng rồi dần dần vốn từ và hiểu biết của con khá lên rất nhiều. Lúc gần gũi con, tôi mới biết con thích đọc truyện tranh Đô rê mon.
Vậy là tôi treo phần thưởng, mỗi tháng con được nhiều hoa điểm tốt, không nói chuyện riêng trong lớp, mẹ tặng con 1 quyển Đô rê mon. Con trai háo hức, cười giòn giã và chăm học hẳn lên.
Môn Văn là sở trường của tôi thời đi học nên tuyệt nhiên tôi không mua bất kì quyển sách văn tham khảo nào cho con. Tôi dành thời gian rảnh rỗi mỗi ngày đọc sách Tiếng Việt của con, bài tập làm văn nào cô giao, hai mẹ con đều chụm đầu xem xét kĩ càng. Viết đoạn văn 5-7 câu, con thường bối rối. Mẹ hướng dẫn cụ thể một lần và ghi rõ từng câu hỏi một để con tự trả lời, con viết xong mẹ sửa lại. Con viết lại đoạn văn ấy lần nữa cho mạch lạc, mượt mà hơn.
Tôi cũng khoán thời gian cháu được xem hoạt hình chỉ 1 tiếng mỗi ngày, sau khi đi học về. Mẹ cai nghiện facebook mà chuyển thời gian đó sang đọc sách báo. Con học hết bài thì đọc báo Nhi đồng của con, mẹ hết việc nhà thì đọc báo Phụ nữ của mẹ. Thỉnh thoảng con được chơi điện tử nửa tiếng rồi nhanh chóng chạy ra sân vui đùa nhảy dây, trốn tìm cùng lũ bạn.
Mỗi dịp về quê, tôi đều tranh thủ dạy con cách quan sát: cánh đồng lúa đang thì con gái, cảnh thành phố lên đèn, con sông Hồng mênh mông và cây cầu Nhật Tân mờ mịt ẩn hiện trong sương, chỉ cho con thấy con đê làng mà con vẫn thắc mắc. Con thấy dòng người và xe đông đúc trên phố, con dùng từ gì cho phù hợp ngữ cảnh: tấp nập, hối hả, chen chúc...
Việc học cùng con khiến tôi bỏ được cơ man tật xấu lúc trước. Thói xấu buôn chuyện nhà, chuyện người trên mạng xã hội không còn khiến tôi sôi sục khí thế như trước nữa.
Từng được phong là "cây buôn chuyện số 1" của xóm, tôi trở thành cô giáo số 1 của con trai, được con tin tưởng chia sẻ đủ thứ chuyện ở trường lớp.
Mỹ Đức (Đông Anh, Hà Nội)
Theo afamily