Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (GDMN NCL) có vai trò quan trọng trong việc góp phần chia sẻ, giải tỏa sức ép từ nhu cầu gửi trẻ trong điều kiện các trường công lập chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều rào cản làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quản lý của những cơ sở này.
Giờ học của các bé Trường mầm non HTC Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: THU HÀ
Là một trong những địa phương có loại hình GDMN NCL phát triển với tốc độ nhanh, Trưởng phòng GDMN, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Đà Nẵng Đặng Thị Cẩm Tú cho biết: Đến thời điểm tháng 10-2016, toàn thành phố có 119 trường mầm non tư thục; hơn một nghìn nhóm lớp độc lập tư thục (ĐLTT). Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, công tác hỗ trợ thiết bị đồ dùng đồ chơi và đầu tư cải tạo cơ sở vật chất cho các nhóm lớp ĐLTT trên địa bàn các quận, huyện thuộc KCN và khu chế xuất được hỗ trợ tích cực, góp phần đẩy mạnh chất lượng GDMN NCL thành phố Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực và cải thiện tốt nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc giáo dục trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành giáo dục Đà Nẵng vẫn còn gặp những khó khăn trong công tác quản lý và hỗ trợ nhóm lớp ĐLTT như một số nhóm trẻ hình thành tự phát, không bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ. Hệ thống nhóm lớp ĐLTT chủ yếu ở dạng nhóm trẻ gia đình nhỏ lẻ, đan xen vào các khu dân cư, gây khó khăn cho quá trình quản lý. Đáng lưu ý là, một số chủ nhóm, giáo viên chỉ qua đào tạo ngắn ngày, kiến thức chuyên môn còn hạn chế cho nên chất lượng giáo dục chưa cao, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng là chủ yếu.
Đại diện Phòng GDMN, Sở GD và ĐT Bình Dương cho rằng: Phần lớn các cơ sở GDMN NCL đều tổ chức hoạt động thu nhận trẻ để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh rồi mới tiến hành các trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, do mức học phí tăng giảm linh hoạt để đáp ứng mức thu nhập của công nhân lao động cho nên chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại các cơ sở này còn nhiều hạn chế, nguy cơ mất an toàn đối với trẻ là rất lớn. Một số cơ sở chi trả lương, tham gia đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho giáo viên chưa tương xứng với công việc nên không phát huy hết trách nhiệm của đội ngũ trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu GDMN, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về cơ chế quản lý các nhóm trẻ ĐLTT tại khu đông dân cư, KCN, khu chế xuất, vùng dân tộc thiểu số vào năm 2015 cho thấy: Chất lượng giáo dục trẻ chưa được chú trọng, nhất là các điều kiện cần bảo đảm để thực hiện chương trình như cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự, chế độ và chính sách hỗ trợ cho phát triển đội ngũ giáo viên và nhóm lớp ĐLTT. Việc bảo đảm chi phí thấp phù hợp với khả năng chi trả của người dân cũng đang là rào cản trong bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và phát triển nhóm trẻ.
Trước thực trạng nêu trên, một số địa phương kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc trong quá trình xét duyệt hồ sơ và cho phép hoạt động một số cơ sở GDMN để các cơ sở không ở quá gần nhau, gây khó khăn trong việc quản lý nhân sự và biến động học sinh trong khu vực; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ đời sống tinh thần và có những chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm cho giáo viên để họ yên tâm công tác, ổn định lâu dài. Bên cạnh những kiến nghị, đề xuất thì nhiều địa phương cũng đưa ra những giải pháp để quản lý cơ sở GDMN NCL có hiệu quả như tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, Ban Văn hóa xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở đã được cấp phép thành lập và chưa được cấp phép trên địa bàn để phụ huynh lựa chọn trường, lớp, bảo đảm điều kiện chăm sóc giáo dục cho con em mình. Trong khi đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận quy hoạch quỹ đất cho trường mầm non NCL (mỗi huyện có ít nhất một trường). Còn tại Hải Phòng, Sở GD và ĐT giao trách nhiệm cho các trường mầm non công lập tư vấn, giúp đỡ về chuyên môn, giám sát hoạt động và sự biến động của các cơ sở GDMN NCL trên cùng địa bàn xã, phường; hằng tháng có báo cáo về phòng GD và ĐT.
Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Năm học 2015-2016, toàn quốc có 2.053 trường mầm non NCL chiếm tỷ lệ 14,1% và tăng 213 trường so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ở các cơ sở GDMN NCL đạt 25,3% trên tổng số trẻ huy động. Với tình trạng các trường mầm non NCL tăng nhanh như hiện nay, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, các sở GD và ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục phối hợp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở GDMN NCL, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các trường học không bảo đảm các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Chủ nhóm trẻ, chủ trường học muốn đầu tư để mở trường thì cần phải có tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, đáp ứng các tiêu chuẩn thành lập trường mầm non theo quy định.
Theo ND