Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trung Quốc chăm lo GD mầm non cho “trẻ bị bỏ lại quê”


"Trẻ bị bỏ lại quê" là một vấn đề lớn tại nông thôn Trung Quốc. Bố mẹ lên thành phố kiếm việc làm, trẻ phải ở nhà với ông bà hoặc họ hàng, trong khi hạ tầng GD nghèo nàn ảnh hưởng nhiều tới tâm lí và sự phát triển của trẻ. Trung Quốc đang có những nỗ lực quan tâm giáo dục "trẻ bị bỏ lại quê" từ tuổi mầm non...

Về quê học mầm non
Lu Hongfei, 28 tuổi, bất chấp giá lạnh đầu đông tại vùng núi Hồ Bắc, cùng con gái 3 tuổi đi bộ nửa tiếng tới một trung tâm cộng đồng tại làng Wangjiaping.


Trong một căn phòng nhỏ, 8 trẻ và phụ huynh ngồi cùng nhau. Em bé nhỏ nhất chỉ mới biết đi. Sách truyện và đồ chơi xếp ngăn nắp ở một góc phòng.


Từ năm 2012, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc đã lập nên các trung tâm phát triển trẻ em (ECD) đặt ở cộng đồng - tại các vùng nông thôn nghèo bị ảnh hưởng bởi làn sóng di cư ra thành phố như Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Quý Châu và Tân Cương.


Làng Wangjiaping (hạt Wufeng, tỉnh Hồ Bắc) là một trung tâm thí điểm. UNICEF cung cấp sách, đồ chơi, bàn ghế, khu cung cấp thông tin chăm sóc trẻ và trang thiết bị vui chơi ngoài trời.


Trẻ em tại Wangjiaping có thể chơi tại trung tâm ECD 5 ngày/tuần. Phụ huynh cũng có thể tham gia chơi cùng dưới sự hướng dẫn của tình nguyện viên. Các chuyến thăm thường xuyên của chuyên gia ECD cũng dạy phụ huynh cách nuôi dạy trẻ tốt hơn.


Đây là lần đầu tiên Lu Hongfei và con gái đến trung tâm ECD. Trong 7 năm, Lu và chồng mở một cửa hàng bán sản phẩm điện tử tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đông Trung Quốc.


Lu đưa con gái đầu lòng về quê tháng trước và sinh con gái thứ hai. "Chương trình GD tiền tiểu học 1 năm có tốn phí hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn tệ tại Hàng Châu và tôi không thể trả nổi" - Lu chia sẻ.


"Tôi không bao giờ nghĩ rằng đồ chơi và truyện tranh ở đây cũng y hệt như thành phố - và cũng miễn phí. Trẻ nông thôn có cơ hội tương tự như trẻ tại thành phố".


Nâng cao nhận thức phụ huynh

Hạt Wufeng, nằm tại vùng núi Wuling, là một trong những khu vực nghèo nhất Trung Quốc, có thu nhập đầu người hàng năm chưa tới 8.000 tệ (khoảng 1.100 USD).


Khoảng 85% trong 200.000 dân hạt này là người dân tộc Tujia. "Hơn 80% trẻ em trong làng là trẻ bị bỏ lại quê. Chúng được nuôi bởi người già - những người tin rằng trẻ chỉ cần ăn và mặc là đủ" - Tan Langui, Chủ tịch Hội Phụ nữ trong làng, cho biết.


"Nhiều trẻ nhút nhát hoặc cư xử thô lỗ khi lần đầu tiên tới trung tâm ECD. Tuy nhiên khi được gặp giáo viên nhiều hơn, chúng dần học cách hoà đồng với bạn bè và lễ phép với người lớn tuổi cũng như làm sao đọc và chơi cùng nhau".


Tại Trung Quốc, một nửa trong 16 trẻ ra đời mỗi năm là ở khu vực nông thôn - theo Zhao Qi, chuyên gia UNICEF tại Trung Quốc. "Phát triển mầm non bao gồm thể chất, cảm xúc, tư duy nhận thức và phát triển ngôn ngữ" - Qi nói.


Với bé Rubing 3 tuổi, cả bố và mẹ đều ra thành phố làm việc. Bé được ông nội đưa bằng xe máy đến trung tâm ECD. "Trước đây, tôi chỉ lo cho lợn ăn và hái chè. Nay tôi thấy cần thiết phải đọc và chơi cùng cháu nội để cháu có bước chuẩn bị tốt trước khi đi học lớp 1" - ông chia sẻ.


Để khuyến khích người dân đưa con em tới trung tâm ECD, chính phủ đã đầu tư khá lớn cho hạ tầng giao thông. Như tại ECD ở làng Lingbao, chính phủ đã chi 2,18 triệu USD mở một con đường mới dẫn tới ECD.


Năm nay, 26 cơ sở thí điểm mới đã được đưa vào chương trình ECD của UNICEF. Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 146 trung tâm ECD hoạt động.


Theo GD&TĐ