Bằng tình yêu thương với các em nhỏ, lòng yêu nghề đã giúp cô giáo trẻ Huỳnh Thị Kiều Quyên, Trường Mẫu giáo Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang sáng tạo ra nhiều mô hình phục vụ công tác dạy và học, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở xã vùng sâu Xuân Đông của tỉnh Tiền Giang.
Sau khi tốt nghiệp, cô giáo trẻ Huỳnh Thị Kiều Quyên, sinh năm 1983 nhận công tác tại Trường Mầm non Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho. Năm 2013, cô Huỳnh Thị Kiều Quyên chuyển công tác về Trường Mẫu giáo Xuân Đông. Buổi đầu ở ngôi trường mới không khỏi bỡ ngỡ nhưng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề đã giúp cô nhanh chóng hòa nhập với đồng nghiệp và các em nhỏ.
Cô Huỳnh Thị Kiều Quyên với thiết bị dạy học "Mô hình đa năng".
Sau thời gian công tác, cô giáo Huỳnh Thị Kiều Quyên hiện là tổ trưởng chuyên môn của trường. Cô còn giành được nhiều thành tích nổi bật như nhiều năm liền hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao; đạt giáo viên giỏi cấp thành phố và cấp huyện nhiều năm liền; đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2013 - 2014...
Ngoài bề dày thành tích chuyên môn, cô Kiều Quyên còn rất ham học hỏi, sáng tạo, có nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Cụ thể, các năm 2010, 2012 cô đều đạt giải A, Hội thi đồ dùng dạy học cấp tỉnh. Năm học 2014 - 2015, cô đạt 2 giải của Hội thi đồ dùng dạy học cấp tỉnh (1 giải A và 1 giải B). Năm học 2010 - 2011, cô đạt giải A trong hội thi Sản phẩm công nghệ thông tin cấp thành phố. Đáng chú ý là đề tài thiết bị dạy học "Mô hình đa năng", đề tài cô đạt giải A trong Hội thi đồ dùng dạy học cấp tỉnh. Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, đây là mô hình đơn giản, tốn ít chi phí nhưng mang lại hiệu quả lớn trong việc dạy học. Mô hình được lắp ghép từ những vật dụng tái sử dụng như tấm bìa mút, băng keo, miếng nilon, bóng điện... "Mô hình đa năng" lắp ghép thành nhiều phần và có thể sử dụng vào nhiều mục đích.
Cô Quyên cho biết đã ấp ủ làm mô hình này trong quá trình dạy học. Vừa lắp đặt mô hình, cô vừa tỉ mỉ chỉ cho chúng tôi từng công năng của sản phẩm. Mở tấm rèm bên ngoài ra là cả một rạp chiếu phim mini cho các bé, cô dùng bóng điện để chiếu sáng cho hình những con vật đã được sắp xếp ở trong; kéo khay gỗ ở dưới thì hai đầu có hai cây gỗ dùng để cuộn tấm bìa nilon được in hình những chú động vật. Hình dung giống như cả một rạp chiếu bóng nhỏ được cô thoăn thoắt kéo lên. Chưa hết ngỡ ngàng với mô hình nhỏ mà nhiều công năng, cô xoay lại thì đằng sau là một vòng xoay với những bánh xe đủ màu sắc để cho các em nhỏ chơi trò chơi "Chiếc nón kỳ diệu", còn mặt trước mô hình là một khu rừng nhỏ với sóc, thỏ, lợn con, chó sói... được điều khiển di chuyển bằng tay, y như những nghệ sĩ múa rối. Cô cho biết đây là khu rừng để thực hành cho các em nhỏ trong những giờ kể chuyện, có hình ảnh minh họa, các con vừa dễ hiểu, vừa thích thú hơn.
Cô Mai Thị Thơ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Xuân Đông cho biết : Cô Quyên luôn dẫn đầu trong phong trào lao động giỏi, sáng tạo; đạo đức tác phong tốt và luôn được nhà trường tin tưởng, phụ huynh quý mến.
Với nhiều thành tích góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở Tiền Giang nói chung và xã Xuân Đông nói riêng, cô Kiều Quyên vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng giải Phụ nữ Việt Nam sáng tạo năm 2015; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen Nhà giáo tiêu biểu xuất sắc trong năm học 2015 - 2016 và là một trong hai giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang dự lễ vinh danh tại Thủ đô Hà Nội...
Theo GD&ĐT