Theo khuyến cáo mới, các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn lạc ngay từ lúc 4-6 tháng tuổi.
Hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều chờ cho con mình được 12 tháng tuổi rồi mới cho con ăn các loại thức ăn khác nhau vì sợ con mắc chứng sốc phản vệ.
Trong bản thông báo mới được cập nhật vào thứ sáu, trẻ em được ăn lạc từ sớm sẽ giảm nguy cơ dị ứng với loại thực phẩm này.
"Đây là một cơ hội tuyệt vời để giảm các trường hợp dị ứng lạc" - Tiến sĩ Matthew Greenhawt - một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Colorado ở Aurora (Colorado, Mỹ) đồng tác giả của bản thông báo cho biết.
Trường hợp trẻ bị bệnh eczema nặng, dị ứng trứng hoặc mắc cả 2 chứng bệnh này sẽ có nguy cơ bị dị ứng đậu phộng cao hơn. Những trường hợp này nên được tiếp xúc với lạc từ sớm (4-6 tháng tuổi) để giảm nguy cơ bị dị ứng.
Tuy nhiên, trước đó, trẻ phải được kiểm tra bằng cách chích da. Nếu chỗ chích không sưng hoặc sưng nhỏ dưới 2mm, cha mẹ có thể bổ sung thêm lạc vào khẩu phần ăn hàng ngày của con.
Nhưng nếu vết chích sưng to đến 3mm, hãy đến hỏi bác sĩ xem con nên ăn lạc như thế nào, hoặc nếu vết sưng lớn hơn thì đừng cho con ăn lạc vì con sẽ bị dị ứng.
Thứ hai, trẻ mắc bệnh eczema nhẹ, khi đã có thể tiêu hóa được thực phẩm rắn nên được ăn lạc từ 6 tháng tuổi.
Thứ ba, nếu trẻ không mắc bệnh eczema, hoặc có nguy cơ dị ứng ít loại thực phẩm, cha mẹ nên bổ sung lạc vào khẩu phần ăn của con trong bất kì hình thức nào phù hợp với độ tuổi ngay từ tháng thứ 6 sau sinh.
Cho trẻ ăn lạc thế nào cho đúng?
Một đồng tác giả của thông cáo, tiến sĩ Amal Assa'ad, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati (Ohio, Mỹ) đã đưa ra cho phụ huynh một số lựa chọn:
"Một số hình thức của thực phẩm có chứa lạc phù hợp với trẻ nhỏ là bơ lạc, có thể làm mềm ra hay pha loãng bằng cách đổ thêm nước ấm vào hoặc làm mát nó, cha mẹ cũng có thể cho trẻ ăn bánh ngô có chứa bơ lạc" - ông cho biết. "Đối với trẻ lớn hơn, cho trẻ ăn sốt táo hoặc bột nhuyễn hoa quả có chứa lạc".
Tiến sĩ Stanley Fineman - một chuyên gia về dị ứng ở bệnh viện Atlanta Allergy and Asthma tại Marietta (Georgia, Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu này cũng cho biết: "Trên cương vị của những nhà nghiên cứu về bệnh dị ứng, chúng tôi rất vui mừng khi nghiên cứu đã được hoàn thành, chúng tôi đã hiểu tại sao trẻ em lại dị ứng lạc và làm thế nào để ngăn chặn cũng như là phòng ngừa chúng.
Vấn đề là chúng ta vẫn chưa nắm rõ được đối tượng nào nên được cho tiếp xúc với lạc từ sớm và đối tượng nào thì không", nhưng ông đánh giá rằng thông cáo này cũng rất có ích.
Theo mevabe