Tìm kiếm con đường, phương pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có việc bồi dưỡng xây dựng phong cách lãnh đạo người cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành GD-ĐT.
Cô Hoàng Thị Thơm - Phòng GD&ĐT huyện Mường Chà (Điện Biên) và Chủ tịch UBND huyện Mường Chà tại hội thi "Bé vui khỏe - Bé hát dân ca" năm học 2013 - 2014.
Loại bỏ phong cách lãnh đạo quan liêu
Dưới góc độ tâm lý học quản lý, phong cách lãnh đạo quan liêu thường dẫn đến những hậu quả nguy hại sau:
Bệnh quan liêu làm cản trở sự phát triển nhân cách toàn diện của cấp dưới, buộc họ phải làm việc trong khuôn khổ của những thủ tục cứng nhắc, theo những mệnh lệnh chi tiết vụn vặt do cấp trên liên tục đưa ra mà không chú ý tới sở trường và khả năng của cấp dưới.
Cấp dưới phải làm việc trong điều kiện như vậy rất dễ đánh mất tính độc lập suy nghĩ và dễ có thói quen làm việc như một cái máy khiến cho khó phát triển được khả năng của mình.
Bệnh quan liêu dẫn nhà quản lý đến chủ nghĩa thủ cựu và nếp suy nghĩ theo đuôi, chẳng hạn như cách nghĩ cho rằng cấp trên biết rõ hơn mình, tốt nhất là hành động theo ý cấp trên, nếu có ý kiến ngược lại chắc sẽ thất bại.
Bệnh quan liêu khiến cho nhà quản lý không để ý đến những vấn đề mới xuất hiện, bởi vì họ chỉ làm việc theo thói quen thụ động mà không ý thức được rằng tình hình thực tế đang biến đổi rất nhanh, khó có chương trình nào có thể bao quát hết được mọi chi tiết gắn với những đổi thay trong thực tế.
Trong hệ thống quản lý lãnh đạo quan liêu rất khó có thể hủy bỏ các quyết định sai lầm của thủ trưởng, và mỗi khi lãnh đạo không biết nghe những kiến nghị, góp ý đúng đắn của cấp dưới thì chỉ còn một cách là cấp dưới phải thi hành mệnh lệnh sai lầm của cấp trên và cái giá phải trả thật khôn lường.
Một trong những hậu quả nổi bật của bệnh quan liêu là khoảng cách ngày càng mở rộng giữa điều mà người thủ trưởng có quyền làm và điều anh ta có thể làm.
Ở đây quyền hạn mà anh ta tự cho mình có được thì có xu hướng gia tăng nhưng khả năng thực tế anh ta có làm được hay không lại có xu hướng giảm đi.
Bệnh quan liêu làm cho người bình thường mất thói quen suy nghĩ tích cực, sáng tạo, chỉ biết làm theo những gì đã được quy định chính thức hoặc đã được vạch sẵn trong các mệnh lệnh từ trên đưa xuống.
Bệnh quan liêu có thể gây ra những tổn thất khôn lường cho tập thể và nhà nước, bởi nó có thể dẫn đến tệ nạn tham ô, lãng phí... Do vậy, là nhà quản lý, dù ở lĩnh vực nào cũng hết sức cảnh giác với những xu hướng tiềm ẩn của loại phong cách lãnh đạo này.
Xây dựng phong cách lãnh đạo dân chủ, quyết đoán, có hiệu quả
Phong cách này đòi hỏi người cán bộ quản lý giáo dục phải bám sát nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quản lý nhằm đề cao tính tập thể trong lãnh đạo đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân.
Trước khi ra một quyết định quan trọng, người lãnh đạo cần điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin đầy đủ để nắm chắc bản chất của tình hình và sự việc
Cũng như trong tất cả các lĩnh vực công tác thường xuyên có mối quan hệ giao tiếp giữa con người với con người, hoạt động quản lý giáo dục đòi hỏi nhà quản lý phải luôn luôn duy trì mối quan hệ với cấp dưới, biết dành nhiều thời gian cho việc tiếp xúc với cấp dưới.
Người lãnh đạo biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới, chú ý tìm hiểu những nhân tố mới, những kinh nghiệm sáng tạo của các thành viên trong tập thể.
Trước những vấn đề có nhiều ý kiến trái ngược nhau cần phải thảo luận dân chủ, công khai, thẳng thắn để tìm ra chân lí, để đi đến kết luận rõ ràng, dứt khoát và khoa học.
Tránh tìm cách lẩn tránh sự bất đồng ý kiến bằng cách đưa ra những kết luận chung chung, lựa chiều mọi người rồi cuối cùng đi đến một quyết định chứa đựng những yếu tố dung hòa thỏa hiệp, nửa vời, không có tác dụng thực tế, thậm chí có thể gây ra những hậu quả xấu.
Người cán bộ quản lý cần tạo cho mình thói quen biết lắng nghe cả những ý kiến trái ngược với ý kiến của mình, biết tiếp thu ý kiến đúng đắn của người khác và thừa nhận những điểm non kém của mình.
Không vì sĩ diện, tự ái cá nhân, sợ mất uy tín mà cố bảo thủ biện bạch cho những ý kiến không đúng của mình. Cần có những điều tra nghiên cứu và thảo luận tập thể để tránh tình trạng đưa ra những kết luận độc đoán thiếu căn cứ khoa học.
Xây dựng phong cách lãnh đạo dân chủ còn có nghĩa là phát huy tính tập thể trong lãnh đạo phải đi đôi với việc đề cao trách nhiệm cá nhân. Độc đoán là sai, song cá nhân không giám chịu trách nhiệm không giám quyết đoán cũng là sai.
Mở rộng dân chủ không phải là sa đà vào dân chủ hình thức hoặc dân chủ vô nguyên tắc. Dân chủ đúng đắn phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung và đi liền với tập trung.
Sự năng động, sáng tạo phải dựa trên đường lối chính sách của Đảng. Mọi biểu hiện của chủ nghĩa tự do, vô kỷ luật, cục bộ địa phương, phân tán, tản mạn, nói ẩu, nói bừa hoàn toàn xa lạ với dân chủ.
Xây dựng phong cách lãnh đạo dân chủ là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, nó gắn giá trị nhân văn xã hội hiện đại. Tuy nhiên để cho phong cách dân chủ thực sự mang lại hiệu quả cho công tác quản lý, nhà quản lý giáo dục cần chú ý thêm một số khía cạnh khác như những điều kiện không thể thiếu được nhằm nâng cao năng lực và uy tín của mình:
Không ngừng nâng cao trình độ lý luận Chính trị, trình độ chuyên môn và trình độ quản lý nhằm đổi mới tư duy, đổi mới cách thức lãnh đạo.
Thống nhất giữa lí luận và thực tiễn, lời nói đi đôi với với việc làm, suy nghĩ kỹ trước khi nói, có kế hoạch chi tiết trước khi làm.
Tăng cường công tác phê và tự phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân và tệ nạn sùng bái cá nhân.
Đối xử bình đẳng với mọi người, tránh "Yêu nên tốt, ghét nên xấu". Giữ gìn và nêu cao những phẩm chất "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" như lời dạy của Hồ Chủ Tịch.
Mềm dẻo, sáng tạo trong giao tiếp và trong công tác quản lý lãnh đạo. Khi xem xét phải có "lí", nhưng khi hành động ứng xử phải có "Tình".
Bài học kinh nghiệm
rong công tác lãnh đạo, đối tượng được lãnh đạo là rất quan trọng, việc tiếp xúc thường xuyên định kì của lãnh đạovới quần chúng là một việc làm cần thiết.
Khi tiếp xúc với giáo viên, người cán bộ quản lý giáo dục vừa tìm hiểu công việc họ làm, hiểu tâm tư nguyện vọng và những khó khăn trong đời sống cũng như trong chuyên môn mà họ gặp phải, vừa đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao và động viên khích lệ họ.
Trong phong cách làm việc với người dưới quyền, người lãnh đạo cần biết lựa chọn các vấn đề đưa ra bàn bạc, thẻo luận rộng rãi trong tập thể và các vấn đề cần được giải quyết kịp thời trên cơ sở trách nhiệm cá nhân.
Phong cách dân chủ trái với thái độ "Dựa dẫm"; "ba phải", "theo đuôi quần chúng". Dân chủ phải đi đôi với tự chủ, công khai, công bằng, dân chủ không đối lập với kỷ cương nề nếp. Trên cơ sở kỷ cương nề nếp mới thực hiện được dân chủ thực sự trong quản lý lãnh đạo.
Là một cán bộ phụ trách chuyên môn bậc học Mầm non huyện Mường Chà (Điện Biên), bản thân tôi thường xuyên làm việc và tiếp xúc với tất cả cán bộ quản lý bậc học.
Tôi nhận thấy người cán bộ quản lý giáo dục muốn xây dựng được cho mình một phong cách lãnh đạo dân chủ quyết đoán và có hiệu quả cần phải thực hiện tốt 3 loại công việc sau:
Tìm hiểu trực tiếp và thường xuyên các đối tượng mà mình quản lý. Tiến hành phân tích thực trạng và diễn biến của đối tượng mình quản lý. Tổ chức tiếp xúc và làm việc với cán bộ chuyên môn dưới quyền.
Cô Hoàng Thị Thơm - Phòng GD&ĐT huyện Mường Chà (Điện Biên)
Theo GD&TĐ