Biến chứng nguy hiểm khi bé bị táo bón Táo bón là bệnh thường gặp ở các bé. Táo bón dễ dàng chữa trị và không gây nguy hiểm nếu mẹ có những biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, nếu mẹ chủ quan, không khắc phục kịp thời khi bé bị táo bón sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề . Dấu hiệu của táo bón Táo bón là tình trạng đi tiêu phân khô cứng, muốn đi tiêu nhưng không đi được, số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần. Táo bón không khó phát hiện nếu như mẹ quan tâm thường xuyên đến việc đại tiện của con. Tuy nhiên, mẹ lưu ý rằng táo bón không thể đánh giá được hoàn toàn dựa trên số lần đi đại tiện của bé, bởi thực tế có bé đi tiêu đều đặn nhưng phân cứng thì rất có thể bị táo bón. Có bé 2-3 ngày mới đi đại tiện một lần nhưng phân mềm thành khuôn thì cũng không thể kết luận là táo bón được. Nếu thấy bé đi ngoài phân rắn, có khi thành viên như phân dê, trẻ phải nhăn mày, rặn mạnh, vã mồ hôi, khóc thét, kèm theo phân có máu...thì đó có thể là dấu hiệu bé bị táo bón. Lúc này mẹ cần có biện pháp để khác phục kịp thời cho bé.
Biến chứng nguy hiểm của táo bón Tình trạng táo bón của bé sẽ được giải quyết nhanh chóng nếu có biện pháp xử lý kịp thời; tuy nhiên, nếu mẹ không khắc phục vấn đề này thì táo bón sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm cho bé như: - Các vấn đề về hệ tiêu hóa: táo bón là khởi nguồn của một số bệnh về tiêu hóa như bệnh đại tràng, rối loạn chức năng vận chuyển ruột... - Tình trạng táo bón nặng có thể gây nứt hậu môn, đau rát khiến bé sợ đi tiêu và cố nhịn đến khi không thể nhịn được - đây là nguyên nhân khiến táo bón thêm trầm trọng. - Rối loạn thần kinh: phân ở lâu trong đại tràng là nguồn kích thích gây nên những rối loạn thần kinh khiến bé trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, lười ăn, mất tập trung... - Bé dễ bị trĩ, sa trực tràng: phân ứ đọng lâu trong trực tràng ảnh hưởng và cản trở tuần hoàn máu, lâu ngày gây hiện tượng trĩ, sa trực tràng, phình đại tràng, thậm chí là ung thư trực tràng. Biện pháp phòng ngừa táo bón cho bé Để hạn chế trẻ gặp phải tình trạng táo bón, mẹ cần lưu ý một số bước đơn giản sau: - Bảo đảm cho bé uống đủ nước hàng ngày, cụ thể là 3-4 cốc một ngày. - Bổ sung đủ chất xơ cho bé từ rau xanh, hoa quả. - Duy trì các hoạt động hàng ngày của bé, cho trẻ tập thể dục đều đặn. - Lên lịch ăn uống điều độ cho bé. - Tạo thói quen đi đại tiện cho bé vào một giờ nhất định. Theo Mevabe.net |