'Tiểu Picasso', 'họa sĩ nhà nghề trẻ nhất lịch sử nhân loại'... là những mỹ từ mà giới mỹ thuật chuyên nghiệp dành để nhắc đến thiên tài 9 tuổi, Aelita Andre.
"Tiểu Picasso" Aelita Andre
2 tuổi, tranh của Aelita Andre được các nhà sưu tầm mua với giá cao nhất là 24.000 USD. 5 năm sau, con số đó tăng lên thành 50.000 USD (khoảng 1,12 tỉ đồng). Trong vòng 7 năm từ khi bắt đầu theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp, "tiểu Picasso" đã có riêng cho bản thân hàng loạt buổi triển lãm cá nhân tại các bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng trên khắp thế giới, từ London, Ý đến Hồng Kông, Trung Quốc...
Aelita Andre sinh năm 2007 tại Úc trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Theo The Sydney Morning Herald thì cô bé được cha, họa sĩ Michael Andre truyền cảm hứng và bắt đầu tập vẽ từ khi mới 9 tháng tuổi, thậm chí trước khi cả biết đi hay nói.
Năm 2 tuổi, lần đầu tiên tác phẩm của Aelita được đồng trưng bày tại phòng tranh Brunswick Street (khu ngoại ô Fitzroy, thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc) cùng với mẹ, nhiếp ảnh gia Nikka Kalashnikova. Theo lời bà thì Mark Jamieson, người quản lý phòng tranh Brunswick Street khi đó, đã tỏ ra rất bất ngờ với độ tuổi và tài năng của cô gái nhỏ.
Cũng chỉ 2 năm sau, tháng 6.2011, "tiểu Picasso" đã có cho riêng mình triển lãm cá nhân với tên gọi Sự kỳ diệu của sắc màu tổ chức tại phòng tranh Agora Valley (khu Chelsea, quận Manhattan, New York). Daily Mail cho biết, trong vòng 7 ngày, tất cả 24 tác phẩm (có giá dao động từ 4.000 - 10.000 USD) đã được bán sạch, thu về cho thiên tài nhỏ tuổi tổng cộng khoảng 30.000 USD.
"Nếu coi tác phẩm như những sinh vật sống, có lẽ nó sẽ muốn ở lại với bạn bè trong thế giới của cháu. Vì thế, cháu cảm thấy hơi buồn mỗi khi chúng bị bán đi", Aelita Andre chia sẻ với truyền thông Úc. "Khi vẽ, cháu cảm thấy thật tuyệt vời, tự do và được thoải mái thể hiện bản thân".
Kênh BBC đánh giá với việc bán được tác phẩm nghệ thuật tự sáng tác từ khi còn rất nhỏ, Aelita Andre có thể được xem là họa sĩ nhà nghề trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhân loại.
"Tiểu Picasso" tự nhận thích màu vàng, đồng thời mô tả phong cách hội họa của mình là "một vũ trụ ma thuật, trừu tượng" dưới góc nhìn riêng phá cách, không giống thế giới quan thông thường. Cô bé tìm thấy nguồn cảm hứng từ động vật, phim tài liệu và vũ trụ, sau đó thể hiện chúng trong "Thế giới kỳ diệu của Aelita", tên gọi dành cho xưởng vẽ cá nhân.
Các nhà mỹ thuật danh tiếng nhận định tranh của Aelita Andre được vẽ theo trường phái ấn tượng trừu tượng (abstract expressionism). Ngoài Picasso, cô còn được so sánh với họa sĩ nổi tiếng người Mỹ, Jackson Pollock và nghệ sĩ đến từ Vương quốc Anh Damien Hirst.
"Những tác phẩm trừu tượng sặc sỡ chứa đầy sức sống, sự vận động và màu sắc chói lòa", cây bút Germaine Greer của tờ báo nổi tiếng The Guardian mô tả về tác phẩm của Aelita. Trong khi đó, giáo sư Robert Nelson, nhà phê bình nghệ thuật danh tiếng thì nhận xét tranh của cô bé "kỳ diệu, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thoát khỏi ra những áp bức, hạn chế của truyền thống phương Tây".
Gần đây nhất, triển lãm cá nhân của Aelita Andre mang tên Âm nhạc của sự vô thường vừa được tổ chức cuối tháng 9.2016 tại Bảo tàng của Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga (thành phố St. Petersburg, Nga).
Theo TN