Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bắt con tuyệt giao với thiết bị công nghệ, nên chăng?


Thật ra, cấm hẳn trẻ không chạm đến smartphone, máy tính bảng hoàn toàn phản tác dụng. Điều này chỉ kích thích trẻ càng tò mò, càng muốn tận dụng nhiều cơ hội tiếp cận hơn bằng cách xài lén của bố mẹ hoặc mượn của bạn.

Thời đại công nghệ, thiết bị thông minh đang dần chứng tỏ tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Những bậc phụ huynh hiện đại tuy có lối sống rất thoáng nhưng vẫn đau đầu với câu hỏi: có nên cho con trẻ xài thiết bị công nghệ? Những cảnh báo về vấn đề sức khỏe và nhiều thứ khác liên quan đến trạng thái tinh thần lẫn vật chất mà thiết bị công nghệ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ khiến nhiều người hoang mang. Nhưng, liệu chúng ta có cần thiết phải bắt con tuyệt giao với những phương tiện mang tính giải trí cao đang ngày càng phổ biến 

Phụ huynh nên cho trẻ xài thiết bị công nghệ trong giới hạn cần thiết.

Tiến sĩ Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học Truyền thông Mỹ nói rằng việc cho trẻ tiếp cận với công nghệ di động sớm sẽ giúp chúng có nền tảng vững chắc mà chúng cần để hoạt động trong thế giới ngày càng "số hóa". Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng các bậc phụ huynh nên cho trẻ sở hữu smartphone khi trẻ đã trưởng thành một cách hài hòa giữa thể chất và tinh thần.

Như vậy, khi nào thì một đứa trẻ đủ tuổi để sử dụng các thiết bị thông minh này? Thật ra, trên thế giới hiện nay không có một độ tuổi chung nào để xác định điều này. Trẻ em các nước hầu như được tiếp cận thiết bị công nghệ từ rất sớm. Viện Nhi Hoa Kỳ (AAP) cho biết 75% trẻ em được khảo sát tại các vùng đô thị có điện thoại riêng từ khi 4 tuổi. Nhưng theo nghiên cứu của Đại học Lowa, 90% trẻ mới 2 tuổi đã biết dùng máy tính bảng. Tại Việt Nam, hình ảnh một đứa trẻ tầm trên 1 tuổi thích thú ngồi "chà" smartphone là điều khá phổ biến.

Rõ ràng, nhu cầu sử dụng các thiết bị số hóa này không chỉ tập trung ở người lớn. Tùy theo độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể cho phép con xài smartphone theo nhu cầu chung của cả cha mẹ lẫn con cái: giải trí, giữ liên lạc, kết nối và giám sát con. Như vậy, phụ huynh vẫn có thể cho trẻ xài thiết bị số kèm theo những điều kiện ràng buộc như cam kết thời gian sử dụng không ảnh hưởng đến việc học và sức khỏe, không sử dụng thiết bị này để ganh đua, khoe mẽ với bạn bè hoặc quá phụ thuộc vào chúng và "sống ảo", giảm tương tác trực tiếp với bạn bè, người thân...

Nếu con bạn không biết gì về công nghệ, chúng đã mất đi một cơ hội quý giá để học hỏi, tìm việc.

Tuy nhiên, việc cho trẻ xài smartphone, tablet đồng nghĩa với việc con bạn sẽ nhanh chóng kết nối vào thế giới thông tin khổng lồ trên Internet. Nếu không biết gạn lọc, trẻ sẽ dễ bị sa đà vào những thứ không hay. Muốn quản lý con, cha mẹ phải là người am hiểu công nghệ, ít nhất là phải biết truy cập thành thạo Internet, sử dụng email, Youtube, các phần mềm chat thông dụng như Skype, ứng dụng nghe gọi OTT như Viber, Zalo và nhất là mạng xã hội Facebook, Twitter...

Ở độ tuổi Trung học trở lên, các con muốn độc lập và khám phá rất nhiều, trong đó nhu cầu kết bạn và chia sẻ thông tin, hình ảnh là cao nhất. Việc hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn và cha mẹ phải có được mật khẩu của con là điều cần thiết. Trẻ có thể khó chịu khi bị giám sát, nhưng đó là điều kiện mà trẻ buộc phải chấp nhận nếu muốn được sử dụng công nghệ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cài phần mềm chặn các nguồn thông tin không đứng đắn, web đen, game bẩn...Việc này cần được kiểm tra thường xuyên giống như việc kiểm tra lịch sử trình duyệt trên thiết bị để đảm bảo con bạn không xem những thứ không phù hợp.

Rõ ràng là khi sử dụng đúng cách, các thiết bị công nghệ giúp ích rất nhiều cho tất cả mọi người. Vì vậy, không việc gì chúng ta cứ nhất quyết phải ngăn cấm con em sử dụng chúng. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta tước mất quyền tìm kiếm những cơ hội tốt để hòa nhập vào cuộc sống hiện đại của con trẻ. Hầu hết sinh viên ra trường, việc đầu tiên để tìm kiếm cơ hội việc làm chính là tạo một CV trên mạng để tiếp cận nhà tuyển dụng. Nếu con bạn không biết gì về công nghệ, chúng đã mất đi một cơ hội quý giá.

Theo Phụ nữ 8