Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tác hại khôn lường từ việc ép trẻ ăn hết suất ở các trường mầm non


Theo một nghiên cứu của Đại học Nebraska thì kiểu ăn "sạch sẽ" này có thể gây ra nguy hiểm là thúc đẩy trẻ ăn quá nhiều mà bản thân trẻ không thể kiểm soát được.
Hầu hết các trường mẫu giáo, nhà trẻ đều có thói quen khuyến khích trẻ ăn hết khẩu phần ăn mỗi bữa để phòng tránh kiểu ăn uống cầu kỳ hoặc kén ăn sớm. Nhưng theo một nghiên cứu của Đại học Nebraska, Mỹ thì kiểu ăn "sạch sẽ" này có thể gây ra nguy hiểm là thúc đẩy trẻ ăn quá nhiều mà bản thân trẻ không thể kiểm soát được.
Rất nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy việc ép trẻ ăn (món ăn, số lượng thức ăn) sẽ làm cho trẻ mất đi khả năng nhận biết thế nào là cảm giác đói và không biết ngừng ăn khi đã no. Dần dần, trẻ buộc phải ăn hết tất cả các thức ăn có trong suất ăn của mình và luôn thèm khát đồ ngọt cũng như các món ăn nhẹ. Điều này dẫn đến trẻ dễ bị thừa cân hoặc béo phì.

Ép trẻ ăn hết suất khiến trẻ mất đi khả năng nhận biết thế nào là cảm giác đói và không biết ngừng ăn khi đã no.

Bên cạnh đó, trong một báo cáo kết quả khảo sát của tạp chí Viện Dinh Dưỡng và Chế Độ Ăn Lành Mạnh vào ngày 17/9, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một số trường mầm non lầm tưởng việc cho trẻ ăn hết suất sẽ khuyến khích trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. "Nghiên cứu này cũng cho thấy các trường mẫu giáo và nhà trẻ đều cố gắng kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn của trẻ vì họ sợ phụ huynh phản ứng tiêu cực nếu cha mẹ thấy con mình không ăn hết phần thức ăn", Dipti Dev - tác giả của nghiên cứu, đồng thời là một chuyên gia về hành vi sức khỏe trẻ em tại Đại học Nebraska ở Lincoln nói .
"Nhà trường nên tránh việc sử dụng thức ăn như một phần thưởng để khuyến khích cũng như gây sức ép, buộc trẻ phải ăn hết phần thức ăn. Đồng thời cũng không nên khen ngợi trẻ khi trẻ ăn hết tất cả thức ăn mỗi bữ".
Để hiểu được suy nghĩ của những giáo viên mầm non về vấn đề ăn uống của trẻ, Dev và các đồng nghiệp đã tiến hành phỏng vấn sâu với 18 giáo viên đang làm việc trong các trường học nhận nuôi dạy trẻ ở độ từ 2-5 tuổi. Tất cả những người tham gia phỏng vấn đều có trình độ nghiệp vụ nhất định, có 8 người tốt nghiệp đại học, số còn lại thì họ tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp. Họ có độ tuổi trung bình là 42 và có 12 năm kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ.
Kết quả của buổi phỏng vấn cho thấy: Một số giáo viên cho biết họ đã kiểm soát việc ăn uống của trẻ vì họ thấy rằng nó có hiệu quả, đặc biệt là với những trẻ kén ăn và trẻ bướng bỉnh. Thêm vào đó, họ còn sử dụng bánh ngọt hoặc kẹo làm phần thưởng cho những hành vi tốt của trẻ trong suốt cả ngày, ví dụ như khi trẻ biết tự giác đi vệ sinh. Họ nghĩ rằng rèn luyện cho trẻ tự đi vệ sinh sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu không thưởng kẹo.
Tuy nhiên lại có một số giáo viên nói rằng họ không yêu cầu trẻ phải ăn hết tất cả thức ăn. Họ chỉ khuyến khích trẻ thưởng thức hết các loại thức ăn có trong phần ăn, chứ hoàn toàn không ép buộc trẻ phải ăn cho bằng hết. Bởi vì họ tin rằng việc ép buộc sẽ không có hiệu quả, và vì họ muốn trẻ học cách tự điều chỉnh lượng thức ăn cho riêng mình.

Hãy cho trẻ được đói và tôn trọng số lượng thức ăn mà trẻ cần.
Một số giáo viên cũng cho biết họ đã nhận thức được mối quan hệ giữa việc kiểm soát hoạt động ăn uống của trẻ với căn bệnh béo phì nên đã tránh nó vì lý do đó. Trong một số trường hợp, thay vì cố khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn thì các giáo viên sẽ cho trẻ sờ, ngửi và chơi với thức ăn - đó là cách có thể biến thức ăn thành một cuộc thăm dò khiến trẻ thích thú.
Mặc dù đây chỉ là nghiên cứu nhỏ và không chứng minh được việc ép buộc trẻ ăn "sạch sẽ" tại các trường mẫu giáo và nhà trẻ sẽ gây ra bệnh béo phì hoặc dẫn trẻ em tới thói quen ăn uống không lành mạnh. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn khuyên các bậc cha mẹ nên tìm hiểu quy định cũng như cách chăm sóc trẻ em cụ thể, đặc biệt là trong việc kiểm soát ăn uống tại các trường trước khi lựa chọn nơi để gửi con em mình.
Bà Nancy Zucker, một nhà nghiên cứu rối loạn ăn uống tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, cho biết: "Thời thơ ấu là một giai đoạn phát triển quan trọng cho việc hình thành các thói quen tốt và lành mạnh. Việc thay đổi nhận thức của trường học về bữa ăn của trẻ là điều rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng cha mẹ nên xem xét gửi con cho các trường mà ở đó họ cho phép trẻ được đói và họ tôn trọng cách ăn, số lượng thức ăn mà trẻ cần".

Theo Afamily.vn