Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cha mẹ nên làm gì để con không mắc các bệnh về răng miệng


Hàm răng thường là bộ phận bị tổn hại sớm nhất do nhiều thói quen xấu hằng ngày gây ra. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các bậc cha mẹ hãy tập thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ để bé có một hàm răng chắc, khỏe.


Khi mắc bệnh về răng miệng, miệng trẻ thường bị hôi, ăn uống kém do đó trẻ dễ bị biếng ăn, nặng hơn có thể gây mất ngủ, gầy sút cân nhanh, nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Trường hợp bị mất răng sẽ phát âm không chuẩn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập.


Chính vì điều đó mà các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm đến vấn đề răng miệng của trẻ ngay từ khi còn nhỏ để tránh những bệnh về răng miệng ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống cũng như học tập của trẻ sau này.


Nên tập thói quen vệ sinh răng miệng cho con ngay từ khi còn nhỏ


Dưới đây là cách chăm sóc răng miệng cho trẻ:
Việc đầu tiên các bậc cha mẹ nên làm và tạo thành thói quen cho trẻ trong quá trình chăm sóc răng miệng là nên cho trẻ uống nước sau mỗi bữa ăn. Việc này không chỉ cung cấp nước cho cơ thể mà còn giúp làm sạch răng và loại bỏ những thức ăn dư thừa trong miệng.


Chăm sóc răng miệng cho trẻ càng sớm càng tốt, nếu làm được như vậy sẽ giúp thúc đẩy quá trình mọc răng cũng như giúp răng chắc khỏe sau này. Nhiều người có suy nghĩ là khi trẻ chưa mọc răng hoặc mọc răng sữa thì không cần chăm sóc răng miệng, nhưng trên thực tế thì quan điểm này hết sức sai lầm.


Theo các bác sĩ nha khoa, nên chăm sóc răng miệng cho trẻ ngay khi mới bắt đầu mọc răng. Mặc dù răng sữa không tồn tại vĩnh viễn nhưng răng sữa sẽ giữ không gian mà răng vĩnh viễn cần để có thể mọc đúng vị trí, đồng thời cũng giúp trẻ có thể nói và ăn. Vì thế, việc giữ vệ sinh răng sữa là rất cần thiết.


Việc chải răng cho trẻ cũng cần hết sức lưu ý. Cần chải răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và chải đủ ba mặt răng: mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai. Chải răng xoay tròn với răng cửa, chếch 45 độ đối với răng hàm trong 3 phút. Chải răng sẽ giúp lấy sạch mảng bám ở răng, xoa nắn lợi nhẹ nhàng, làm sạch khe lợi. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chọn bàn chải vừa miệng, giúp đưa bàn chải vào miệng dễ dàng, lông bàn chải không mềm quá hoặc cứng quá.


Nên hạn chế cho trẻ nhỏ ăn bánh kẹo trước lúc đi ngủ hay trước bữa ăn, không ăn vặt mà nên ăn thành bữa, ăn xong phải súc miệng, đánh răng ngay. Những trẻ từ 6 - 15 tuổi có thể súc miệng với dung dịch muối. Đánh răng bằng thuốc đánh răng có flour. Điều này sẽ giúp cho men răng trở nên chắc hơn bằng sử dụng flour:


Nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần. Khám răng đều đặn như vậy sẽ giúp phát hiện những răng chớm bị sâu để được điều trị sớm, tránh biến chứng.


Ngoài ra, cần tránh cho trẻ những thói quen gây nguy hại cho răng, xương ổ răng cũng như phần mô mềm như mút ngón tay, đẩy lưỡi, cắn môi, má hay ăn móng tay, nghiến răng...


Theo SK&ĐS