Thí điểm mô hình Nhà xanh cho trẻ mầm non Lần đầu tiên tại Việt Nam, từ tháng 10 - 12.2006, Sở GD-ĐT TP.HCM lần lượt đưa vào thí điểm mô hình Nhà xanh tại 2 trường: Mầm non TP (Q.3) và Mầm non tư thục Maica (Q.7).
Ở Việt Nam, xuất phát từ truyền thống nên trẻ thường xuyên được bế ẵm, gần gũi với mẹ nhiều, nên khi đến tuổi đi học nhà trẻ, tiếp xúc với người lạ từ sáng đến chiều dễ trở thành “cực hình”. Nhiều trẻ phản ứng rất quyết liệt như: bỏ ăn, không ngủ, kêu khóc hoặc nín lặng dẫn đến uất ức, quá sợ hãi dẫn đến sốc tâm lý rất nguy hiểm. Nhà xanh là nơi để trẻ cùng chơi với mẹ trong thời gian nhất định, tập cho trẻ dần tách ra khỏi mối quan hệ này, tăng cường giao tiếp cùng bạn bè xung quanh, tập dần tính độc lập bước đầu trong giao tiếp xã hội. Khi mẹ chơi với bé hoặc các bé chơi với nhau ở Nhà xanh sẽ có người quản lý, ở đây là giáo viên, quan sát tâm lý, lắng nghe những trao đổi, nếu phát hiện thấy bất ổn, chẳng hạn như cấm đoán trẻ quá nhiều sẽ giúp người mẹ điều chỉnh những động thái không tích cực đó. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý người Pháp thì trẻ được đến Nhà xanh khoảng 10 lần sẽ quen bạn, quen môi trường xung quanh và hình ảnh của ngôi trường mà không bị những áp lực về tâm lý khi lần đầu đến trường. * Hiện nay bắt đầu thí điểm mô hình Nhà xanh và liệu có thể nhân rộng ra các trường trên địa bàn? - Từ năm 2000, Hội "Việt Nam- Tất cả vì trẻ em" của Pháp có kết hợp với Vụ Mầm non, Bộ GD-ĐT trong việc giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm về nuôi dạy trẻ. Nhiều đoàn giáo viên của các tỉnh, thành trong cả nước đã có dịp qua Pháp để tìm hiểu mô hình này. Từ giữa tháng 10, đã tập huấn cho gần 150 cán bộ quản lý các trường mầm non và giáo viên của Trường CĐ Mẫu giáo T.Ư 3 để giới thiệu và hướng dẫn cách thực hiện Nhà xanh. Để đảm bảo việc thí điểm thành công, Sở sẽ kiểm tra và hướng dẫn chuyên môn, nếu cần có thể xin ý kiến góp ý thêm của các chuyên gia... * Như vậy khi xuất hiện Nhà xanh thì các trường phải tính đến phương án về cơ sở vật chất, nhân sự, chế độ lương bổng...? - Nhà xanh được đầu tư rất đơn giản, không đặt nặng đồ chơi mà chú trọng chỗ chơi, nơi thực hiện giao tiếp. Các trường có thể tận dụng thư viện, phòng chơi... và những đồ chơi sẵn có. Thực tế cho thấy, nhiều trường mầm non của TP đều có thể thực hiện được mô hình này, đặc biệt là những trường dân lập, tư thục dễ làm hơn vì trường mới, học sinh còn ít mà lại có thể tạo thêm được uy tín để thu hút phụ huynh. Nhà xanh bước đầu có thể mở cửa để đón học sinh và trẻ vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào thời gian nghỉ hè mà không cần phải tăng thêm biên chế vì các trường có thể sử dụng giáo viên ngoài giờ, khuyến khích những người còn độc thân. Hoặc có thể làm theo cách của các Nhà xanh bên Pháp là đặt thùng tiền, tùy khả năng của mỗi phụ huynh để nhà trường vừa có kinh phí tái đầu tư và bồi dưỡng cho giáo viên phụ trách. Bên cạnh đó, giáo viên đã được đào tạo rất tốt về khoa học tâm lý trong trường sư phạm nên chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ thành công và được hưởng ứng mạnh mẽ. Thanh Niên |