Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Đức “học” kinh doanh


Khi đến làm việc tại thành phố Vai-ma thuộc miền Đông nước Đức, một ngày nghỉ đẹp trời đang đi lang thang ngắm cảnh trên những đường phố yên tĩnh, vắng vẻ, bỗng đập vào mắt tôi là một tấm băng rôn trang trí sặc sỡ: “Chợ trời dành cho trẻ em”. Nghe lạ tai và tò mò, tôi lần theo địa chỉ trên tấm băng rôn và theo bước chân của các cô, cậu học trò nhỏ tuổi tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc. Đó là một trường phổ thông cơ sở của địa phương. Ngôi trường ba tầng khang trang tọa lạc trên một khuôn viên rất đẹp. “Chợ” được họp ngay trong khuôn viên của trường. Cũng như các chợ trời khác, chỗ thì “hàng” được bầy bán trong quầy, chỗ lại được xếp trên những tấm khăn hoa sặc sỡ trải ngay xuống thảm cỏ, thậm chí được cầm trên tay để “khách” dễ xem. Có điều là ở đây chỉ bán đồ cho trẻ em và nhiều nhất là đồ chơi, sách truyện cũ. Thôi thì trăm thứ bà rằn, từ những thứ trông mới cứng đến những thứ đã “tầm tầm”. Có những em còn bầy bán cả những thứ mà chắc có đánh rơi ngoài đường cũng chẳng ai thèm nhặt: Chiếc mũ len bị thủng một lỗ, đôi giầy có lẽ đã qua chân của mấy chị em... Thứ mà trẻ em Việt Nam rất thích là truyện tranh Nhật Bản cũng được bầy bán khá nhiều ở đây. Từ “Bảy viên Ngọc rồng”, đến Pô Kê Mon, Xô lô Cu... đủ cả. Người bán và người mua phần lớn là trẻ em. Không khí mua bán rất sôi động, nhộn nhịp, khác hẳn với quang cảnh ngoài phố. Uđô, một học sinh lớp ba khoe với tôi hộp ghép hình Lêgô trông vẫn còn mới: “Cháu có đôi giầy thể thao được tặng nhân dịp sinh nhật năm ngoái, mới đi có một lần đã bị chật, hôm nay cháu vừa mang ra đã bán được năm ơrô, cháu mua được hộp Lêgô này hết có bốn ơrô, thế là vẫn còn tiền để ăn một que kem nữa”. Một vị phụ huynh khi thấy tôi thích thú tìm hiểu đã nhiệt tình cho biết thêm: Trẻ em ở đâu cũng thích và yêu quý đồ chơi nhưng chơi mãi rồi cũng chán, có “chợ” này bọn trẻ rất thích và giữ đồ chơi cẩn thận hơn vì chúng biết chắc chắn là chúng sẽ có cơ hội để đổi thứ khác. Cứ khoảng vài tháng một lần các trường phổ thông cơ sở lại thay nhau tổ chức “chợ trời dành cho trẻ em” chủ yếu là để các em có điều kiện mua và bán đồ chơi, đồ dùng cũ. Qua đó các em vừa có ý thức giữ gìn đồ đạc, vừa thực hiện được việc “trao đổi hàng hóa”, lại có cơ hội để làm quen với kinh doanh, buôn bán. Đến đây các em được hoàn toàn chủ động mua, bán nên cũng xem “hàng” cẩn thận, cân nhắc, so sánh, mặc cả cò kè như những bà nội trợ thực sự. Cũng là “chợ trời” nhưng hàng hóa được trao đổi ở đây hoàn toàn là “cây nhà lá vườn” và không có những người “mua của người chán, bán cho người cần”. Đây đó ở trong “chợ” cũng có một vài quầy hàng của người lớn chủ yếu là để giới thiệu quảng cáo sản phẩm nhưng muốn tham gia phải được ban quản lý cho phép. Những phiên “chợ” như thế này đối với các em thực sự là sân chơi lý thú và bổ ích và thật hiếm thấy em nào bỏ qua. Đất nước chúng ta còn nghèo, tuy chúng ta đã cố gắng dành tất cả những gì tốt nhất cho thế hệ tương lai nhưng trẻ em chúng ta vẫn còn thiếu thốn nhiều. Liệu những “sáng kiến” như thế này có đáng để các nhà quản lý giáo dục quan tâm ? (Hà Nội Mới)