Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xử sao khi trẻ sơ sinh hay vặn mình?


Trẻ sơ sinh hay vặn mình, uốn người là hiện tượng sinh lý bình thường, nhất là đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu bé quấy khóc nhiều, khó ngủ, không tăng cân, mẹ nên cẩn trọng. Rất có thể bé đang gặp vấn đề và cần được can thiệp ngay.
Có rất nhiều cách lý giải cho hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình như trẻ chưa quen với môi trường sống bên ngoài tử cung của mẹ, hoặc do mẹ chưa làm sạch lớp lông măng sau lưng làm bé ngứa ngáy nên hay vặn vẹo, rướn người. Đôi khi cũng có thể do trẻ đang thiếu hụt một số chất dinh dưỡng. Vì vậy các mẹ cần theo dõi tình hình của bé để xác định đúng nguyên nhân mới có những biện pháp điều trị thích hợp.
Trẻ sơ sinh hay vặn mình có thể do nhiều yếu tố
Trẻ sơ sinh hay vặn mình: Khi nào bình thường?
– Dấu hiệu sinh lý bình thường: Trẻ sơ sinh vặn mình, gồng người, đỏ mặt trong vài phút rồi tự khỏi. Bé vẫn ngủ đủ, bú tốt và lên cân đều. Đây là trường hợp vặn người sinh lý phổ biến ở những bé dưới 2 tháng tuổi, mẹ không cần quá lo lắng.
– Tã ướt làm trẻ khó chịu: Tã trong tình trạng “quá tải” do tiểu nhiều chắc chắn sẽ làm bé bứt rứt, vặn mình và ngủ không yên. Vì vậy, trong thời gian bé ngủ, mẹ nên thường xuyên kiểm tra tã của bé. Tốt nhất nên thay tã cho bé sau mỗi 4 tiếng, đặc biệt, nếu trẻ đi ngoài, mẹ nên thay tã cho bé ngay.
– Không gian phòng ngủ không phù hợp cũng có thể là nguyên nhân làm trẻ hay vặn mình. Nơi bé ngủ cần phải khô ráo, ấm áp nhưng không quá ngột ngạt.
– Khi đói bụng trẻ sơ sinh cũng thường hay khóc, vặn mình nhằm báo hiệu cho mẹ biết. Dạ dày của bé còn rất nhỏ nên không thể bú nhiều được nên bé thường hay thức giấc để đòi ăn. Xử lý tình trạng này không khó: Cứ mỗi sau 2-3 tiếng thì mẹ nên cho bé bú một lần, lưu ý không nên để mỗi cử bú cách nhau quá lâu vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Cảnh báo trường hợp trẻ sơ sinh hay vặn mình mẹ cần lưu ý
Khi bé vặn mình kèm theo các biểu hiện như ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, quấy khóc nhiều về đêm… là dấu hiệu bé đang bị thiếu hụt canxi, nhất là đối với bé trong giai đoạn từ 2-3 tháng tuổi.
Tình trạng bé rướn mình, vặn mình, quấy khóc không ngừng tới tím tái mặt mày kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nặng nề tới sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ sau này. Thậm chí một số trẻ còn có thể bị biến dạng xương chân tay, chậm mọc răng, nguy hiểm hơn là tử vong do bị co thắt thanh quản vì thiếu canxi. Vì vậy, để ngăn chặn hiện tượng này mẹ cần phải bổ sung canxi cho bé một cách đầy đủ và hợp lý nhất.
Mách mẹ cách tăng cường bổ sung canxi cho trẻ
Trẻ sau khi chào đời sẽ bị “cắt” nguồn canxi từ mẹ, vì vậy dễ dần đến tình trạng thiếu hụt canxi. Tại thời điểm này nguồn canxi được cung cấp từ sữa mẹ là rất quan trọng. Mẹ cần ăn uống đầy đủ chất. Đặc biệt, tăng cường các thực phẩm giàu canxi như cá hồi, cá ngừ, cá thu và bổ sung thêm viên uống canxi. Ngoài ra, mẹ cũng cần tắm nắng để cơ thể có thể hấp thu tốt canxi. Đối với những bé không có điều kiện bú sữa mẹ nên chọn loại sữa công thức giàu canxi. Tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu cần uống bổ sung canxi.
Khi bước vào tuổi ăn dặm, nhu cầu canxi của bé cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh nguồn canxi từ sữa, mẹ nên tăng cường bổ sung thêm canxi cho bé bằng một số thực phẩm giàu canxi như: Cá, rau chân vịt, súp lơ xanh, các chế phẩm từ sữa và đậu nành…
Song song với việc bổ sung canxi cho trẻ, mẹ cũng cần cung cấp vitamin D. Bởi vì cơ thể không thể hấp thu hoàn toàn lượng canxi nạp vào, chỉ nhờ sự góp sức của vitamin D, khả năng hấp thụ canxi mới diễn ra tốt hơn. Tốt nhất, mẹ nên cho trẻ sơ sinh tắm nắng, vì ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp được một lượng lớn vitamin D đáp ứng 70-80% nhu cầu cơ thể cần. Thời gian cho bé tắm nắng lý tưởng nhất là từ 6-7 giờ sáng và sau 5 giờ chiều. Khi tắm nắng mẹ nên để hở phần chân và tay bé, mặc ít quần áo để da tiếp xúc trực tiếp với nắng càng tốt.
Theo Marrybaby.vn