Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con trẻ có thể bị ung thư tụy, ung thư thận nếu bố mẹ cứ tiếp tục như thế này


Nhiều cha mẹ thường xuyên cho con ăn các loại đồ ăn nhanh như xúc xích, thịt hun khói,...mà không hề biết rằng những thực phẩm này có thể gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm cho trẻ nhỏ, trong đó có cả ung thư.


Cho con ăn đồ ăn nhanh vì sợ con đói
Chiều nào đến đón con, chị Huyền (Cầu Giấy, HN) cũng mua cho con một chiếc xúc xích không rõ nguồn gốc bán tại cổng trường với lí do "sợ con nó đi học cả ngày, đói lại đau dạ dày vì mình bận nên tối muộn nhà mới ăn cơm", chị phân trần.


Ngoài ra, nhà chị còn tích trữ rất nhiều loại bim bim, đồ ăn nhanh sẵn trong nhà để bất kì lúc nào bé Cá (con trai chị Huyền) đói là có thể lấy ăn dễ dàng.


Vì ăn nhiều đồ ăn vặt trong ngày nên khi đến bữa ăn, bé không còn hứng thú với bữa ăn gia đình nữa.


Tuy vậy, chị Huyền cũng không quá lo lắng về chuyện ăn uống của con trai mình vì chị cho rằng, miễn trẻ ăn no là được, đồ ăn nhanh cũng là đồ ăn và cũng có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.


"Mỗi ngày mình vẫn bổ sung cho con 2 cốc sữa tươi vào sáng và tối nên cũng không lo chuyện con thiếu chất đâu", chị Huyền quả quyết.


Những loại xiên que, xúc xích không rõ nguồn gốc được bày bán rộng rãi tại nhiều cổng trường học.


Nhiều mẹ còn thường xuyên dỗ con bằng những món ăn nhanh, đồ ăn vặt bất cứ lúc nào: khi trẻ đi học về, khi được điểm cao, khi con khóc nhè hay chỉ cần trẻ đòi là cho trẻ ăn ngay.


Tuy nhiên, thói quen cho trẻ ăn những đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt bán sẵn trên thị trường có thể gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe của trẻ.


Xúc xích tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy ở trẻ lên tới 20%
Theo một nghiên cứu mới đây của Thụy Điển, nếu bạn ăn khoảng 50g thịt chế biến mỗi ngày (tương đương một cây xúc xích) sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư lên tới 20%.


Cụ thể, các nhà học đã kiểm tra dữ liệu từ 11 nghiên cứu , với hơn 6.600 trường hợp bị ung thư tuyến tụy.


Theo đó, ăn khoảng 50 g thịt chế biến sẵn mỗi ngày, tương đương với một chiếc xúc xích hoặc 2 lát thịt xông khói, sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy lên 20% so với người không ăn thịt chế biến sẵn.


Nếu tiêu thụ gấp đôi thì nguy cơ này tăng lên đến 40% và sẽ là 60% nếu ăn 150g mỗi ngày.


Ung thư tuyến tụy là một căn bệnh nguy hiểm và có tới 80% người bệnh không sống được tới quá 1 năm khi phát hiện bệnh. Và chỉ có khoảng 5% có thể kéo dài cuộc sống sau 5 năm được chẩn đoán bệnh .


Ăn nhiều bim bim có thể gây ung thư thận
Theo nhiều nghiên cứu, acrylamide là một chất hóa học được tìm thấy nhiều trong khoai tây chiên và các loại bim bim.
Việc hấp thu một lượng lớn chất acrylamide sẽ làm gia tăng nguy cơ bị ung thư thận, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.


Các nhà khoa học Ba Lan cũng khuyến cáo chất acrylamide từ các loại thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.


Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với acrylamide làm tăng nguy cơ một số loại ung thư, tổn thương thần kinh và các hiệu ứng độc thần kinh khác.


Hoá chất acrylamide này hình thành trong nhiều loại thực phẩm khi chúng được làm nóng trên 120 độ C. Tuy nhiên, chúng hình thành trong khoai tây chiên là nhiều nhất.


Chất gây ung thư acrylamide có trong khoai tây chiên thậm chí cao gấp 1,5 lần so với hàm lượng có trong bim bim.
Dù là khoai tây chiên ở nhà hay ở ngoài cửa hàng ăn uống đều có chứa chất này. Nên hạn chế tối đa lượng sử dụng và tần suất cho con ăn loại thực phẩm này.


Bánh kẹo tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Phần lớn nguyên liệu làm bánh ngọt đều chế biến từ bột lúa mạch. Khi nướng ở nhiệt độ cao, sản sinh ra chất gây ung thư tương tự như trong bim bim hay khoai tây chiên.


Hơn nữa, bánh ngọt cũng chứa rất nhiều đường tinh chế - loại đường có xu hướng làm tăng vọt mức insulin và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư.


Tuy nhiên, đối với những loại bánh ngọt nướng ở nhiệt độ thấp, ít đường lại không xảy ra tình trạng này. Tốt nhất các bậc phụ huynh nên hạn chế tần suất cho con ăn bánh ngọt, vừa tránh béo phì lại giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.

 

Làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

Cha mẹ nên giảm lượng acrylamide vào cơ thể trẻ (và chính mình) bằng cách hạn chế cho trẻ ăn các loại khoai tây chiên và bim bim.


Thay vào đó, cha mẹ nên tập cho trẻ ăn nhiều loại hoa quả, rau, ngũ cốc hoặc dùng các loại hạt để làm bữa ăn nhẹ cho trẻ thay vì những đồ ăn trên.


Không phải trẻ con sinh ra đã thích ăn, sở thích ăn ngọt hay ăn mặn thực chất là do thói quen được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ.


Thực tế là một đứa trẻ khi bắt đầu làm quen với đồ ăn sẽ chưa thể phân biệt được mùi vị nào ngon hơn mùi vị nào.


Vì vậy, nếu cha mẹ cho con ăn nhiều đồ ngọt từ sớm, trẻ sẽ quen với vị đó và khi ăn nhạt hơn, bé sẽ không thích nữa.


Thế nên, cách tốt nhất là tạo cho trẻ thói quen ăn nhạt càng sớm càng tốt, hạn chế các loại bánh kẹo, nước ngọt, kèm chè, sữa có đường và các loại đồ ăn nhanh khác.


Theo SK&ĐS