Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp trẻ sống lạc quan


Trẻ có vui vẻ lạc quan mới có bước đệm phát triển toàn diện cả trí tuệ và nhân cách. Để bồi đắp tính vui vẻ lạc quan ấy cho trẻ, các chuyên gia giáo dục Mỹ đưa ra những gợi ý sau:

1. Không quá nghiêm khắc với trẻ
Quản giáo, dạy dỗ là điều đương nhiên, nhưng quá khắt khe, "khống chế" trẻ trên mọi phương diện lại làm tổn thương đến tâm hồn ngây thơ trong sáng của trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý trẻ.


Cần căn cứ vào đúng độ tuổi, đúng giai đoạn trưởng thành của trẻ để có cách giáo dục phù hợp. Dựa trên cơ sở đặc điểm tâm lý, tính cách trẻ để đưa ra những biện pháp giáo dục tối ưu. Chỉ được hưởng quyền được lựa chọn, trẻ mới cảm thấy ý nghĩa của tự do và niềm vui.


2. Khuyến khích trẻ kết bạn

Những đứa trẻ không được kết bạn thường có biểu hiện ít nói, tâm trạng uất ức thậm chí trầm cảm bởi lúc nào cũng cô độc một mình, không biết đến niềm vui, sự ấm áp của tình bạn, dần dần hình thành tính nhút nhát hay tự kỷ.


Tình bạn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tính cách vui vẻ cởi mở ở trẻ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần khích lệ, cổ vũ trẻ chơi đùa với bạn, đặc biệt là bạn cùng trang lứa để trẻ tìm thấy niềm vui cũng như học được cách sống chan hòa với mọi người.


3. Dạy trẻ lối sống hòa đồng

Trước hết cần dạy trẻ cách cư xử hài hòa với bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Luôn biết yêu thương, có tinh thần tương thân tương ái. Tập cho trẻ cách tiếp xúc với nhiều người có độ tuổi, giới tính, tính cách, ngành nghề, địa vị khác nhau để trẻ học cách cư xử hài hòa với mọi người.


Làm được điều này, trước tiên bố mẹ cần thể hiện cho trẻ thấy sự hài hòa, tôn trọng ngay trong chính ngôi nhà của mình, là tấm gương để trẻ học tập và noi theo.


4. Hỗ trợ trẻ khi thất bại

Khi không đạt được kết quả tốt trẻ thường mất bình tĩnh và thiếu tự tin. Trong thời điểm này, cha mẹ nhất thiết phải bên cạnh để hỗ trợ động viên trẻ.


Ví dụ trẻ không đạt điểm tốt trong kì thi, hãy động viên: "Có lẽ lần này con chưa chuẩn bị tốt, lần sau nhất định sẽ làm tốt hơn vì con của bố mẹ thông minh và chịu khó học mà...".


5. Hạn chế trẻ tham lam vật chất

Cho trẻ sở hữu quá nhiều thứ dễ hình thành suy nghĩ sai lầm ở trẻ: Thành công và hạnh phúc thật đơn giản. Từ đó trẻ sẽ lười biếng, ỷ lại vào người khác, luôn có cảm giác không được thỏa mãn về mặt vật chất, rồi sinh ra tâm lý tham lam, không biết chia sẻ với mọi người.


Bạn nên dạy trẻ: Hạnh phúc con người đạt được không chỉ có từ tài sản vật chất mà cơ bản nhất, gần gũi nhất là từ tình người. Từ đó giúp trẻ hoàn thiện nhân cách.


6. Đừng bao giờ buông lời tiêu cực trước mặt trẻ

Các bậc phụ huynh có thể điều chỉnh, nhận xét hành vi của con mình, đôi khi có thể trách móc nhẹ nhàng nhưng tuyệt đối không được dùng những từ ngữ "vô dụng, ăn hại, ngu ngốc, vô tích sự"... để nói trước mặt con.


Bởi trẻ thường có khuynh hướng tin lời cha mẹ. Nếu thường xuyên dùng những từ ngữ này để nhận xét trẻ, chúng lớn lên sẽ thành đúng như bạn nói.


7. Tạo không khí gia đình hòa thuận

Gia đình hòa thuận là một trong những nhân tố chủ đạo nuôi dưỡng sự lạc quan, vui vẻ của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một gia đình hạnh phúc có tỷ lệ cuộc sống hạnh phúc sau này nhiều hơn những đứa trẻ sinh ra trong gia đình không hòa thuận.


Hơn nữa, gia đình hòa thuận sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ yên tâm vui sống, thỏa sức phát huy khả năng sáng tạo, tài năng của mình. Trẻ trưởng thành sẽ được phát triển toàn diện và hoàn thiện mọi kỹ năng sống.


8. Nuôi dưỡng sở thích của trẻ

Cha mẹ cần chú ý tới những sở thích của trẻ, hướng trẻ đến nhiều sự lựa chọn khác nhau, và hướng dẫn trẻ khi cần thiết.


Trẻ có sở thích càng phong phú, hình thành tính cách vui vẻ càng tự nhiên, dễ dàng. Thậm chí, đây còn là phương thức trị chứng trầm cảm hiệu quả cho trẻ.


Theo Dân trí