Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sử dụng hình ảnh trẻ em quảng cáo sữa là 'bóc lột'


Đây là nhận định của ông Nguyễn Huy Quang Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khi đề cập đến việc nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.


Nghị định 100/2014/NĐ- CP của Chính phủ ghi rõ: "Nghiêm cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo dùng cho phụ nữ mang thai.


Về nhãn sản phẩm bình bú phải có chữ cảnh báo: "Việc sử dụng bình bú có thể làm cho trẻ bỏ bú và có nguy cơ bị tiêu chảy".


Ảnh minh họa (Nguồn: doisongphapluat.com)


Đáng chú ý, Nghị định này còn đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Cụ thể, cơ sở sản xuất kinh doanh không được cử nhân viên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ tại cơ sở y tế hoặc bên ngoài cơ sở y tế với mục đích quảng cáo, tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.


Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không được: Áp dụng các biện pháp khuyến mại đối với sản phẩm sữa thay thế mẹ như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng, tính điểm cộng thưởng, giảm giá hoặc bất kỳ hình thức nào.


Tuy nhiên, bà Đinh Thị Thu Thủy (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết, khi còn mang thai bà đến khám ở bệnh viện thì có đội ngũ nhân viên từ các hãng sữa đến tiếp thị sản phẩm rất chuyên nghiệp, có trong tay khá nhiều danh sách thai phụ cùng với số điện thoại. Trong khi đó đã có quy định thầy thuốc, nhân viên y tế trong cơ sở y tế không được cung cấp danh sách, tên, tuổi, số điện thoại liên hệ của bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai do nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cho phép nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tiếp cận với phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ tại cơ sở y tế.


Còn các hình thức khuyến mại đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện nay xuất hiện nhan nhản, thậm chí là chiêu hút khách mà các hãng sữa đua nhau tung ra.


Việc sử dụng hình ảnh trẻ em quảng cáo sữa cũng vẫn diễn ra ngay cả trên kênh truyền hình.


ATNF (Quỹ tiếp cận dinh dưỡng) của thế giới đã có nghiên cứu tại Việt Nam với 38 cơ sở y tế, hơn 800 phụ nữ mang thai, phỏng vấn 131 nhân viên y tế cùng 334 sản phẩm đánh giá với số công ty được đánh giá là 96... Kết quả như sau: Abbott có 27 sản phẩm không tuân thủ và có 7 điểm bán hàng khuyến mại. Friesland-Campina có 9 sản phẩm không tuân thủ và 4 điểm bán hàng khuyến mại, Mead Johnson có 23 sản phẩm không tuân thủ và 16 điểm bán hàng khuyến mại, Nestlé có 24 sản phẩm không tuân thủ và 10 điểm bán hàng khuyến mại...


Trong số 114 điểm bán lẻ thì có 51 điểm (chiếm 44,7%) có hoạt động khuyến mại, và siêu thị là nơi có tỉ lệ quảng cáo, khuyến mại nhiều nhất với hơn 73%, các đại lý, chuỗi cửa hàng 50%.


Theo HNM