Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chăm sóc trẻ sơ sinh: 5 khác biệt xưa và nay


Không thể phủ nhận khi chăm sóc trẻ sơ sinh, kinh nghiệm của các bà đi trước và các quan niệm dân gian xưa có nhiều điều hữu ích. Tuy nhiên, một số điều đã không còn phù hợp cần phải thay đổi.

Không phải tất cả những kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh được truyền lại từ xưa đều đúng đâu mẹ nhé!

Quan niệm chăm sóc trẻ sơ sinh #1: Tắm rượu/nước lá cây cho khoẻ da

Việc pha 1 ly rượu vào nước tắm cho bé với mong muốn da bé hồng hào và khoẻ mạnh được rất nhiều bà áp dụng cho cháu, nhất là các bà miền Bắc. Trong khi đó các bà ở miền Nam lại chuộng việc nấu nước lá (như lá khế, cỏ mực, cỏ mần trầu, lá trầu...) để tắm cho cháu. Mục đích của việc pha rượu hoặc nước lá này để tắm hết nhớt trên da của trẻ sơ sinh, giúp da sạch sẽ và khoẻ hơn.

Tuy nhiên các bác sĩ khuyên rằng, đối với trẻ sơ sinh chỉ cần tắm hoặc lau người với nước trắng ấm là đủ sạch rồi. Pha thêm rượu có thể khiến bé hít phải hơi cồn gây ngộ độc và ngủ lì bì, ảnh hưởng đến não bộ và sức khoẻ của trẻ. Riêng việc tắm nước lá cho bé khi bé chưa rụng rốn có thể gây nhiễm trùng rốn rất nguy hiểm.

Quan niệm chăm sóc trẻ sơ sinh #2: Rơ lưỡi cho bé bằng mật ong

Khi thấy các bé bị đóng sữa ở lưỡi trắng trắng, các bà thường có thói quen dùng mật ong để rơ lưỡi bé cho sạch. Hơn nữa mật ong sẽ làm sạch ruột, tăng cường hệ tiêu hóa cho bé. Tuy nhiên đây là cách chăm con rất sai lầm, bởi trẻ nhỏ dưới 1 tuổi tuyệt đối không được dùng mật ong. Trong mật ong có những chất có thể khiến trẻ dị ứng, ngộ độc, tiêu chảy, nôn, khó thở, thậm chí tử vong.

Liên quan đến việc dùng mật ong, Bà Nguyễn Ngọc Nụ kể về lần chăm cháu nhớ đời của mình khiến bà suýt nữa phải ân hận "Do ở quê nên khi sinh ở trạm xá xong thì mẹ cháu bị băng huyết phải lên bệnh viện huyện cấp cứu. Khi cháu khóc vì đói thay vì đi xin sữa của các mẹ phòng bên cạnh thì tôi lại nghĩ rơ lưỡi bằng mật ong được thì uống 1-2 giọt chắc cũng không sao nên pha cho cháu 1 thìa mật ong với nước ấm. Cho uống xong thì cháu nín thật nhưng chỉ vài phút sau thì toàn thân tím lại và ngưng thở. May nhờ các bác sĩ cấp cứu kịp thời nếu không tôi sẽ phải ân hận lắm. Các bác sĩ bảo trẻ sơ sinh chưa được tráng ruột bằng sữa mẹ, bà lại cho uống mật ong dẫn đến cháu bị say, ngộ độc và tắc đường thở". Có rất nhiều trường hợp báo chí đã đưa tin trẻ tử vong do ngộ độc mật ong nhưng có lẽ phương pháp rơ lưỡi này vẫn được rất nhiều các bà và mẹ sử dụng. Cách làm sạch miệng cho bé tốt nhất là dùng gạc rơ lưỡi tiệt trùng, nhúng vào nước muối sinh lý ấm hoặc nước ấm.

Quan niệm chăm bé sơ sinh #3: Quấn khăn chặt cho bé

Hình ảnh các bé sơ sinh được quấn chặt trong khăn bông và mang bao tay bao chân kín mít là hình ảnh vô cùng quen thuộc. Vì sợ con mới chào đời bị lạnh, không ít mẹ quấn con trong lớp quần áo, chăn mền quá kín. Việc làm này chỉ khiến con nóng bức, dễ bị nổi rôm sẩy. Chưa kể, khi quấn con chặt, cơ thể con tăng nhiệt độ ra nhiều mồ hôi nếu không lau thường xuyên dễ dẫn đến viêm phổi. Đây cũng chính là lí do vì sao nhiều trẻ sơ sinh thường vặn mình, quấy khóc, nhất là vào mùa hè.

Không phải bé sơ sinh nào cũng thích được quấn khăn khi ngủ hoặc khi đi ra ngoài

Tốt nhất, mẹ nên mặc quần áo thoáng mát, chất liệu cotton dễ thấm mồ hôi để con không bị nóng trong người. Mẹ cũng có thể tắm cho bé bằng nước ấm trong phòng kín gió, kết hợp massage sẽ giúp trẻ thoải mái và ngủ ngon hơn vào buổi tối.

Quan niệm chăm sóc trẻ sơ sinh #4: Uống nước cho sạch miệng

Lâu nay, các bà các mẹ vẫn hay thường có thói quen cho trẻ sơ sinh uống nước lọc tráng miệng và sạch lưỡi. Vì quan niệm nước lọc lành, lại giúp bé đỡ táo bón nên một số chị em cho con uống "vô tội vạ" mà không hề biết rằng, trẻ sơ sinh uống nước lọc sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.

Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước. Ở giai đoạn này, sữa mẹ là nguồn dưỡng chất cần thiết nhất cho trẻ. Trong sữa mẹ đã có đầy đủ nước cho nhu cầu của trẻ mà không cần phải có thêm nước lọc. Trẻ chỉ cần được uống nước khi đến tuổi ăn dặm.

Quan niệm chăm sóc bé sơ sinh #5: Rung lắc và cho trẻ ngủ võng

Đây là thói quen phổ biến của rất nhiều mẹ khi muốn con nhanh ngủ. Việc ru trên võng mạnh cũng tương tự như rung lắc con có thể làm não bộ con bị tổn thương nặng nề, thậm chí có thể gây tê liệt thần kinh. Nếu muốn con nằm võng, mẹ chỉ nên đung đưa nhẹ nhàng để con từ từ chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên các bá sĩ khuyên rằng, mẹ nên cho bé nằm trên mặt phẳng như giường, nệm không lún để cột sống của bé được thẳng, tránh những dị tật không đáng có khi lớn lên.

Theo Marrybaby